Ảnh minh họa
Đó là khẳng định của các chuyên gia về bất động sản tại một hội nghị về triển vọng thị trường bất động sản vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo ghi nhận của các chuyên gia, phân khúc nhà cho thuê ở nước ngoài đã phát triển từ nhiều năm qua nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.
Mặc dù nhu cầu thuê nhà ở Việt Nam đặc biệt là tại các thành phố lớn vẫn liên tục tăng lên nhưng hầu hết hiện nay ở Việt Nam, nhà cho thuê là do tư nhân tự xây dựng hoặc cải tạo để cho thuê.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, nhà cho thuê đã có trong Chiến lược nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009.
Xét về mặt thị trường, thực tế người dân đã làm rất tốt, có nhiều người đi thuê nhà ở và nhiều người có điều kiện mua nhà để cho thuê.
Ông Nam dẫn chứng, ở Mỹ có tới khoảng 65% dân số đi thuê nhà, cách đây mấy năm có cho vay dưới chuẩn tỷ lệ sở hữu cao hơn, và thuê nhà giảm thậm chí xuống dưới 4% nhưng giờ đã tăng.
“Ở Việt Nam, hiện các chính sách khuyến khích đầu tư về phía nhà nước và doanh nghiệp theo hình thức dự án còn hạn chế”, ông Nam cho biết.
Vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, tâm lý ngại với nhà cho thuê tồn tại ở cả chủ đầu tư và trong tâm lý của người dân.
Về phía các nhà đầu tư, phát triển nhà cho thuê phải đầu tư lớn trong khi nguồn lực có hạn lại phải “thu tiền xu hàng tháng” nên hầu hết các chủ đầu tư đều ngại.
Trong khi đó, về phía người dân, tâm lý thích sở hữu, thích mua trên 95% dù là nhà to nhà bé, thậm chí cả nhà xấu.
Thứ hai, bản thân công nhân, sinh viên cũng đi thuê nhưng không thích thuê nhà của dự án mà thích thuê nhà của dân vì thuê nhà của dân được tự do hơn.
“Trong khuôn khổ pháp luật, nhà ở xã hội quản lý theo dự án bao giờ cũng chặt hơn từ giờ giấc đi lại, không được tiếp khách, bạn bè hạn chế hơn… thủ tục như cho thuê nhà sinh viên bắt nhà trường phải xác định này nọ nhưng trường có ký túc xá cũng muốn sinh viên ở ký túc xá nên không muốn xác nhận, đáng ra chỉ cần thẻ sinh viên là được, mình động cái là xác nhận nhưng lấy được một con dấu là khó”, ông Nam cho biết.
Đổi lại, nếu đi thuê bên ngoài, dù hạ tầng không tốt, nhà ở không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật nhưng tuyệt đối đảm bảo tự do…
Theo ông Nam, nếp sống nông nghiệp không giống đô thị mà tự do thoải mái mang tính tư hữu nhiều hơn nên cần dần dần thích nghi với văn hóa đô thị.
Ở góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh Sàn bất động sản G5 cũng cho rằng, việc các chủ đầu tư bất động sản chưa mặn mà với việc đầu tư nhà cho thuê là có lý do.
Theo ông Khánh, nhà cho thuê hiện đầu tư vốn khá lớn nhưng các nhà đầu tư thu lại hoàn vốn rất chậm.
“Nếu có sự hỗ trợ của nhà nước, tiền sử dụng đất được giảm, lãi suất cho vay hạ xuống thấp và dài hơn. Đồng thời, quy hoạch từng khu vực một sẽ phần nào giúp cho nhiều người không có tài chính có thể thuê được giá phù hợp”, ông Khánh khuyến nghị.
Về góc độ chính sách nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, muốn thực hiện được chiến lược này, đòi hỏi phải có nguồn lực và vốn lớn, thời hạn cho vay dài thì mới thực thi được.
“Như thế nhà nước phải hỗ trợ, có khuyến khích luật thông qua phải có Nghị định, Bộ Tài chính (đặc biệt là cơ quan thuế) phải có chính sách khuyến khích. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải có những quỹ cho vay dài hạn, chính sách phải đồng bộ, chín muồi”, ông Nam khẳng định.
Khi doanh nghiệp có tích lũy dần, lãi và nguồn lực tăng lên cộng với chính sách đúng đắn và khuyến khích sẽ phát triển nhà cho thuê.
Cũng theo ông Nam, hiện nay, ngay cả doanh nghiệp đi cho thuê nhà còn ngại, hoặc cho thuê dễ nhưng hết hạn đòi lại khó, chính sách đang hoàn thiện, chắc chắn nhà cho thuê sẽ tăng, trước hết là đi vào phân khúc nhà ở xã hội cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp thuê.
Theo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn tới năm 2030, nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn, tổng diện tích sàn nhà ở phải tăng thêm trong giai đoạn 2009 - 2015 là 429 triệu m2.
Sức cung của thị trường từ các dự án vào năm 2015 là khoảng 461.767.028 m2 sàn nhà ở (Hà Nội là 82.450.000 m2, TP. HCM là 79.360.900m2).
Diện tích nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 5 - 10% nhu cầu nhà ở xã hội trên thực tế.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]