Nỗi lo tài chính
Giá bất động sản từ trước đến nay chưa từng được đánh giá là thấp, nhà chưa bao giờ là sản phẩm rẻ, ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn, giá nhà theo đánh giá của nhiều chuyên gia là vẫn còn khá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt. Mới đây, chỉ sau một thời gian ngắn giảm, giá bất động sản lại rục rịch tăng trở lại trên cả hai miền. Các chủ đầu tư công bố tăng giá bán căn hộ từ 4 đến 7% tại một số dự án.
Người dân muốn mua nhà thường gặp phải nỗi lo về tài chính.
Việc sở hữu một căn hộ có diện tích vừa phải (dưới 70m2) có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng là mơ ước của nhiều người dân đang sống tại các khu đô thị lớn, đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng trẻ. Thực tế cho thấy, với đại đa số người dân có thu nhập thấp, trung bình thì mơ ước đó không phải chuyện dễ nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập là đồng lương. Chỉ tích cóp từ lương thì một gia đình thu nhập trung bình sẽ phải mất ít nhất 20-25 năm mới có thể mua được căn nhà 1 tỷ. Trong khi đó, chi phí thuê nhà trong thời gian đó đã tiêu tốn một khoản lớn, đôi khi không ít hơn khoản tiền dành dụm để mua nhà là bao. Chính điều này khiến cho giấc mơ sở hữu nhà riêng tại các đô thị lớn ngày càng trở nên xa vời. Đối với các nhân viên, công chức ngày làm 8 tiếng thì tiền lương chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, phí sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống sẽ vô cùng chật vật nếu họ không kiếm thêm kế sinh nhai.
Lãi suất ngân hàng không là cứu cánh
Việc các ngân hàng thúc đẩy cho vay vốn mua nhà được coi là yếu tố giúp cải thiện lượng giao dịch trên thị trường. Để kích thích đầu ra cho dòng vốn, các ngân hàng đã tích cực liên kết với các chủ đầu tư đồng loạt hạ lãi suất mua nhà kèm theo nhiều ưu đãi về thời gian thanh toán. Hiện tại, vay vốn ngân hàng đã nhận được nhiều ưu đãi hơn so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng như "con ngựa bất kham", khi thị trường khó khăn, lãi suất có thể giảm và nhiều ưu đãi nhưng khi thị trường khởi sắc, khả năng lãi suất sẽ lại leo thang. Vay vốn không phải là chuyện ngày một ngày hai có thể trả, nếu chạy đua với cuộc đua lãi suất không cân sức với các ngân hàng, người mua nhà không thể chắc mình có đủ sức kham nổi.
Trong khi lượng tồn kho căn hộ tại Tp.HCM hiện rất lớn, nhu cầu vay tiền để mua nhà của người dân và doanh nghiệp để hoàn thiện dự án lại đang vô cùng cấp bách. Trước thực trạng này, UBND Tp.HCM đã đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh điều kiện cho vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong số đó có đề nghị giảm lãi suất giảm 6%/năm xuống còn 3% và tăng thời gian vay lên 15 năm. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì đề xuất của UBND Tp.HCM là có cơ sở bởi hạ lãi suất hiện nay đối với người thu nhập thấp cũng là vấn đề để đẩy nhanh tốc độ vay và giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Mặc dù, cho rằng đề xuất giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống 3% là hợp lý nhưng ông Kiêm cũng nhận định: “Điều đó là khó khả thi vì nếu giảm lãi suất xuống thì phần chênh lệch nhà nước phải bù ra, Nhà nước lãnh hết chứ không phải ngân hàng chịu, trong khi Ngân sách Nhà nước đang trong tình trạng khó khăn”.
Nỗi lo tiến độ và chất lượng công trình
Chất lượng luôn đi liền với giá thành. Người có tiền thường không muốn mua những chung cư giá rẻ, người không có tiền lại cố vay mua được các căn chung cư này. Bài học “tiền nào của ấy” luôn đúng trong các dự án xây dựng. Giờ đây không ít người mua đang dần mất niềm tin vào các nhà thầu và một số dự án nhà giá rẻ. Người dân cần nhà, dự án cần người mua nhưng không ai dám liều bỏ tiền tỷ mua căn nhà mà không chắc về "tuổi thọ" và chất lượng của, nó sẽ cùng mình "đi" được bao lâu hay chủ đầu tư sẽ bỏ rơi khách hàng khi tiền đã về túi.
Tiến độ và chất lượng công trình đang là nỗi lo của người mua nhà.
Chuyện chậm tiến độ, chất lượng công trình sa sút nhanh chóng không phải là chuyện hiếm, các doanh nghiệp luôn cam kết đảm bảo chất lượng và tiến độ nhưng đa phần là cam kết miệng. Câu chuyện về những công trình “dậm chân tại chỗ”, “chết yểu”, “cò cưa” tiến độ, chủ đầu tư thoái thác, tìm mọi cách không hoàn trả tiền cho khách hàng, người mua gồng mình trả lãi suất, bao năm kiện cáo mà nhà thì không có, tiền không đòi lại được... nhan nhản khắp các mặt báo đã làm “chùn chân” người mua, nhất là khi số tiền ấy là sự tích góp cả đời mới có.
Hiện nay, có rất nhiều công trình mà nếu chủ đầu tư chỉ cần dành ra 1/1.000 tổng mức đầu tư để thực hiện các nghiên cứu, thực nghiệm, kiểm định thì sẽ hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện. Thực tế, dù đã có quy định bắt buộc phải thực hiện các thí nghiệm, đánh giá đối với vật liêu, vật tư, công trình xây dựng nhưng trong dự toán công trình không có khoản chi phí này, nên nếu có làm thì họ lại phải trích từ nguồn nọ, nguồn kia, ảnh hưởng tới lợi ích. Vì thế, mà họ tìm cách né tránh.
Nỗi lo về sự thiết thực của chính sách hỗ trợ
Còn nhớ trước đây, khi dự án nhà ở thu nhập thấp triển khai, lập tức đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là đối tượng cán bộ, công chức ăn lương Nhà nước. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai ì ạch (căn bệnh của hầu hết các dự án xây dựng cơ bản), cộng với sự đầu tư không đồng bộ về hạ tầng đã làm nản chí không ít người có nguyện vọng muốn mua nhà ở thu nhập thấp. Cho nên, không lấy gì làm lạ khi các dự án nhà ở xã hội hiện nay dù hồ hởi khởi công, quảng bá, lãi suất cho vay cũng đã hạ xuống, nhưng khách hàng lại không mặn mà quan tâm như trước. Hầu hết người có nhu cầu mua nhà đang đợi những động thái tích cực hơn từ các nhà đầu tư để biết chắc rằng, đồng vốn ban đầu đưa vào sẽ không bị chiếm dụng cho những mục đích khác.
Thị trường nhà ở xã hội luôn nóng vì phân khúc này luôn có lượng cầu cao. Những người được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa có nhà ở, đặt kỳ vọng sẽ sớm biến ước mơ có được căn nhà phù hợp với thu nhập thành hiện thực. Thực tế là cầu có cao hơn cung, tuy nhiên, tâm lý khách hàng khi tiếp cận với chương trình mua nhà ở xã hội lại không háo hức như trước đây.
Những “chướng ngại vật” từ ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm “chùng chân” người dân lao động. Để khách hàng đặt niềm tin vào các dự án nhà ở xã hội thì rất cần có sự thông đường từ tất cả các khâu như các ngân hàng, cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư. Chỉ cần vướng ở một công đoạn nào đó thì các dự án nhà ở xã hội sẽ tiếp tục nối gót các dự án xây dựng cơ bản khác về tiến độ chậm chạp. Và niềm tin của người mua một lần nữa sẽ bị thử thách.
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]