Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định khung giá đối với từng loại đất, theo từng vùng quy định tại Điều 113 của Luật Đất đai.
Theo Nghị định, khung giá đất gồm 2 nhóm: nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp.
Với nhóm đất nông nghiệp, Chính phủ ban hành khung giá đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; khung giá đất trồng cây lâu năm; khung giá đất rừng sản xuất; khung giá đất nuôi trồng thủy sản và khung giá đất làm muối.
Nhóm đất phi nông nghiệp có khung giá đất đối với: đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, Kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.
Theo Nghị định, đất ở tại các đô thị có giá tối thiểu thấp nhất là 40.000 đồng/m2 áp dụng với đô thị loại V vùng Bắc Trung Bộ.
Mức giá tối đa cao nhất đối với đất ở tại các đô thị là 162 triệu đồng/m2, áp dụng cho đô thị loại đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.
Đối với khung giá đất thương mại, dịch vụ tại các đô thị, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ đều có khung giá đất từ 120.000 đồng - 129,6 triệu đồng/m2 tùy loại đô thị.
Khung giá đất ở tại nông thôn được chia theo từng vùng kinh tế, từng loại xã. Trong đó, thấp nhất là xã miền núi vùng Tây Nguyên với giá tối thiểu là 15.000 đồng/m2; cao nhất là xã đồng bằng vùng Đồng bằng sông Hồng với giá tối đa 29 triệu đồng/m2.
Khung giá đất trên được sử dụng làm căn cứ để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng bảng giá đất, điều chỉnh bảng giá đất. Nghị định có hiệu lực từ ngày 29-12-2014.
Xung quanh việc khung giá trần mới cho giá đất khu vực đô thị đặc biệt tăng lên 162 triệu đồng/m2 - gấp đôi so với mức trần hiện tại, trong quá trình dự thảo nghị định, nhiều chuyên gia và chủ đầu tư Bất động sản đã lo ngại việc khung giá đất tại đô thị tăng thì nhiều Doanh nghiệp sẽ rút khỏi Thị trường vì chẳng ai đủ tiền để mua đất giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, mức giá đất mới này sẽ làm cho chi phí phát triển hạ tầng, đô thị, nhà ở trở nên tốn kém hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần phải có sự điều chỉnh trên vì khung giá đất hiện nay đã tồn tại quá lâu, trong khi bảng giá đất của các địa phương ban hành hằng năm đều phải theo khung giá đất này nên mức giá cao nhất hầu như giữ nguyên. Mặt khác, theo quy định thì bảng giá đất các địa phương phải sát thị trường, nhưng trên thực tế giá thị trường cao gấp 3-5 lần bảng giá đất - điều này là không bám sát thực tiễn.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]