Chị Lan cùng những người bạn mua đất tại một dự án đã từ 3 năm nay. Nộp cho chủ đầu tư dự án hàng mấy tỷ đồng một lô đất thế nhưng giờ cần tiền muốn bán, thậm chí chấp nhận lỗ một nửa chị vẫn không tài nào bán được. Nguyên nhân bởi, tới giờ dự án vẫn không triển khai gì thậm chí, đến thực địa dự án người dân vẫn còn đang trồng trọt.
Còn anh Long, một trong những người dân không chịu bàn giao đất cho dự án này lại có cách lý giải riêng. Giữ đất để trồng trọt là cách anh lựa chọn nhất là khi có giao đất thì các dự án vẫn bỏ không không triển khai gì.
Anh Nguyễn Thành Long, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: "Nếu chúng tôi lấy tiền thì cũng chỉ xây được nhà là hết. Giờ không biết tìm đâu ra việc nên cứ giữ ruộng để làm".
Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là lý do khiến nhiều dự án tự ý bỏ cuộc. Tuy nhiên, ngay cả khi có mong muốn triển khai tiếp cũng không phải dễ dàng.
Đại diện một doanh nghiệp BĐS đưa ra ví dụ, giải phóng mặt bằng được 40 ha nhưng luôn trong tình trạng vừa làm vừa dừng. Đường cấp thoát nước đang chạy cũng phải dừng lại, nếu vướng phải khu đất chưa nhận đền bù. Tình trạng giải phóng mặt bằng theo kiểu "xôi đỗ" đang khiến không biết bao giờ dự án mới có thể hoàn thành nổi.
Ông Phùng Minh Thơm, Phó ban quản lý dự án khu đô thị AIC cho biết: "Hiện có những khó khăn mới xuất hiện như mình chuyển tiền đền bù nhưng nhiều hộ dân không nhận, chính sách điều chỉnh gây khó khăn cho công ty".
Theo giới BĐS, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đang khiến người mua nhà tại các dự án dạng trên rơi vào rủi ro. Tại nhiều dự án, chủ đầu tư đã thu của người mua tới 90% thậm chí 100% giá trị lô đất trong khi giải phóng mặt bằng chưa xong, hạ tầng chưa làm, tiền sử dụng đất chưa đóng.
Nhiều nhận định cho rằng, với thời gian dài không triển khai như vậy, rất có thể tiền của người mua nhà đã bị các chủ đầu tư chiếm dụng làm việc khác. Và nếu như tình trạng này cứ tiếp diễn, thì người mua nhà sẽ khó có cơ hội nhận được nhà.
Ông Phạm Xuân Cần, Giám đốc một Sàn giao dịch bất động sản cho biết: "Hiện các chủ đầu dự án đã thu một lượng tiền lớn từ khách hàng nhưng suốt thời gian chưa triển khai. Nếu kéo dài tình trạng này thì những khu đô thị đó sẽ bị hoang hóa không đưa vào sử dụng được. Khách hàng giảm giá nhưng không bán được bởi mảnh đất ấy, ngôi nhà ấy có bán cho người khác cũng không dùng được".
Hiện giá đất tại nhiều dự án thuộc khu vực huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Mê Linh... đang rơi vào tình trạng giảm giá sâu tới 50%, cá biệt có những dự án giảm giá từ 60-70% mà vẫn không bán được.
Mặc dù các địa phương đang khá quyết liệt đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng để giúp các dự án triển khai tiếp, tăng nguồn thu cho địa phương nhưng có vẻ như các dự án vẫn án binh bất động. Nhiều địa phương còn cho biết, thậm chí họ còn không liên lạc được với chủ đầu tư hoặc có mời lên làm việc cũng biện mọi lý do để không lên.
Theo Tuyết Mai (VTV)
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]