Trong 7 năm qua, các mối de dọa như khủng bố tại châu Âu, các bất ổn chính trị từ Anh, Mỹ và làn sóng di dân đã giúp New Zealand trở thành điểm dừng chân - thiên đường trú ẩn an toàn của giới siêu giàu trên toàn cầu.
Sự xa xôi và cách biệt với thế giới bên ngoài từng là thứ khiến New Zealand khó hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng giờ đây đã trở thành lợi thế của quốc gia này, khi thu hút số lượng lớn các tỷ phú về sinh sống. Điển hình như người tiên phong thành lập quỹ đầu cơ Julian Robertsong, đạo diễn Hollywood James Cameron, tỷ phú ngành thép người Nga Alexander Abramov, tỷ phú hậu thuẫn cho Facebook Peter Thiel hay Chủ tịch Fidelity National Financial Inc Bill Foley…
Theo báo cáo của OECD, New Zealand có diện tích lớn gấp đôi nước Anh, nhưng dân số chưa bằng 1/10, xếp hạng cao trong danh sách những nơi đáng sống nhất trên thế giới; New Zealand còn nằm trong Top 10 quốc gia có nền dân chủ, hòa bình, ít tham nhũng và mức độ hài lòng với cuộc sống cao.
Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh (Doing Business 2017) đánh giá, với nền kinh tế trị giá 250 tỷ NZD (180 tỷ USD) đóng góp chính từ du lịch và nông nghiệp, mới đây New Zealand đã vượt qua Singapore để trở thành quốc gia tốt nhất trên thế giới để hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, đây là quốc gia đứng thứ nhì trong số các quốc gia Đông Nam châu Á để các chuyên gia nước ngoài tới sinh sống và làm ăn, theo khảo sát của HSBC trong tháng 9/2016.
Queenstown trở thành nơi thu hút bậc nhất đối với các tỷ phú tới New Zealand sinh sống
Với sức hấp dẫn cùng làn sóng nhập cư của giới siêu giàu, giá nhà tại New Zealand đã tăng 12,7% trong năm tính tới tháng 10/2016 và giá nhà trung bình tại các thành phố lớn như Auckland đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2007. Giá nhà tại Queenstown - thị trấn gần sân bay quốc tế đã tăng hơn gấp đôi tốc độ tăng tại Auckland.
Gần đây, các tỷ phú Trung Quốc bắt đầu trở thành tâm điểm mới của làn sóng nhập cư vào New Zealand. Tháng 4/2016, Jack Ma - người sáng lập Alibaba đã trao đổi với Thủ tướng New Zealand John Key về việc ông muốn mua một căn hộ tại đây. Tính tới nay, có ít nhất 20 tỷ phú Trung Quốc đã sở hữu BĐS tại New Zealand.
Một trong những lý do chính khiến New Zealand có sức hút đặc biệt đối với các tỷ phú đó là sự ổn định về chính trị. Trong 17 năm qua, quốc gia này chỉ thay đổi người đứng đầu 2 lần và lần gần đây nhất xuất hiện dấu hiệu của xung đột là từ thế hệ trước vào năm 1985.
Trong bối cảnh có nhiều bất ổn chính trị, từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cho tới cuộc chạy đua vị trí tổng thống Mỹ giữa 2 ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump, sự ổn định tại New Zealand trở thành yếu tố hấp dẫn bậc nhất đối với các công dân toàn cầu.
Minh chứng, ngày 23/6, khi nước Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, New Zealand đã nhận được 998 đơn xin nhập cư từ công dân quốc gia này, so với con số 109 đơn vào ngày trước khi bỏ phiếu, theo số liệu từ Bộ phận Nhập cư New Zealand. Được biết, số đơn xin nhập cư sau đó nhanh chóng tăng lên mức 10.647 đơn trong 49 ngày kể từ ngày 23/6, cao hơn gấp đôi cùng thời gian này năm 2015.
New Zealand đã nhanh chóng tận dụng làn sóng nhập cư của giới nhà giàu để thu hút đầu tư. Với khoản đầu tư 10 triệu NZD vào các tài sản địa phương hoặc quỹ đầu tư trong thời gian 3 năm, người nhập cư sẽ đủ tiêu chuẩn để được cư trú ít nhất 44 ngày tại New Zealand trong 2 năm gần nhất. Các nhà đầu tư này không cần phải nói tiếng Anh hay sống một thời gian nhất định tại New Zealand sau giai đoạn trên.
Theo số liệu của chính phủ, kể từ khi chương trình này được áp dụng cách đây 6 năm, có 121 nhà đầu tư đã đủ tiêu chuẩn cấp visa mang tên “Investor Plus” và hơn 800 nhà đầu tư đủ điều kiện cư trú với yêu cầu đầu tư tối thiểu 1,5 triệu NZD trong 4 năm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]