Đất Hoài Đức đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản.
Giá đất Hoài Đức tăng mạnh
Cách đây khoảng một năm, khi có thông tin Hoài Đức đang làm hồ sơ “thăng cấp” từ huyện lên quận, đã xuất hiện một số nhà đầu tư gom đất làm dự án khiến mặt bằng giá đất sốt nhẹ.
Nhưng cơn sốt thực sự đến với thị trường bất động sản Hoài Đức khoảng 2-3 tháng gần đây. Theo khảo sát của phóng viên, giá đất huyện Hoài Đức đã có sự tăng trưởng mạnh, khoảng 30-40% so với 2-3 năm tước.
Cụ thể, giá đất thổ cư ở nhiều khu vực khoảng 17-20 triệu/m2. Riêng tại ngã tư Sơn Đồng, giá đất dao động từ 100 - 110 triệu đồng/m2. Đất Vân Canh có giá từ 18-25 triệu đồng/m2 trong ngõ và 30 triệu đồng/m2 đất mặt một số con phố lớn.
Đất dịch vụ một số khu vực tăng gấp 1,5 lần từ cuối năm ngoái so với tại thời điểm hiện tại. Tại thời điểm sau Tết nguyên đán, khách hàng có thể bỏ ra 500 - 550 triệu đồng mua được một lô có diện tích từ 40-50 m2, thì đến nay đã tăng lên 850 triệu. Sau khi bốc thăm nhận đất, dự báo giá sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Hiện đã có rất nhiều giao dịch thành công.
Đất mặt đường 32 là đắt nhất, có giá lên tới 100-150 triệu/m2, có mảnh lên tới gần 200 triệu/m2, ngang đất biệt thự trong phố.
Đất đấu giá nằm sát Cổng khu Đô thị mới Kim Chung - Di Trạch cũng đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Mới đây một doanh nghiệp xây dựng lớn đã đấu giá thành công quyền sử dụng đất ở một khu đất diện tích khoảng 1.000 m2 nằm sát cổng khu Đô thị mới Kim Chung - Di Trạch với giá trúng thầu là 37,5 triệu đồng/m2. Sau đó, doanh nghiệp này đã phân lô bán nền với giá bán sang tay khoảng 50 triệu đồng/m2 (tại các lô ở vị trí mặt đường nội bộ) và giá 80-85 triệu đồng/m2 (tại mặt đường quốc lộ 32).
Giải mã “hiện tượng” Hoài Đức
Có nhiều cơ sở lý giải cho việc đất Hoài Đức tăng giá.
Đầu tiên, phải kể đến là thông tin Hoài Đức “nâng cấp” lên quận. Theo đó, cách đây 1 năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức. Bí thư Hoàng Trung Hải đã đánh giá Hoài Đức là huyện trung tâm nhất của thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Hoài Đức có vị trí rất quan trọng, cửa ngõ phía Tây, giáp với các quận nội thành, nên có nhiều thuận lợi và “cần phải tập trung nguồn lực để xây dựng nâng cấp lên quận trong năm 2020”.
Thông tin Hoài Đức “lên quận” ngay lập tức đã có tác động tích cực tới thị trường nhưng chưa tạo thành cơn sốt. Nhưng mới đây, vào tháng 8/2017, UBND TP.Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng đề xuất một số cơ chế đặc thù, xây dựng các tuyến giao thông quan trọng có tính bức xúc dân sinh, trong đó “ưu tiên xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 nối từ đường cao tốc Thăng Long với quốc lộ 32 trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Nhiều tuyến đường quanh khu vực Kim Chung - Di Trạch cũng sẽ được mở rộng, xây dựng như quốc lộ 70, đường Tân Lập - An Khánh - La Phù dài 16km rộng 50m, dự án Đức Thượng - Phú Diễn - Xuân La, dự án Sơn Động - Xuân Phương - Mỹ Đình…
Mặt khác, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, dự kiến khai thác thương mại vào năm 2021 sẽ giúp việc lưu thông giữa Hoài Đức và nội thành Hà Nội trở nên thuận tiện hơn. Cùng với đó, trục đường Tây Thăng Long kết nối khu Tây Hồ Tây với huyện Hoài Đức, Đan Phương chạy song song quốc lộ 32 hay con đường quốc lộ 70 nối từ Nhổn tới Đại lộ Thăng Long chạy qua huyện Hoài Đức cũng đang được triển khai xây dựng, mở rộng lên tới 4 làn xe… đang là những “liều đô-ping” mạnh mẽ cho bất động sản Hoài Đức.
Theo đánh giá của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hoài Đức là một thị trường tiềm năng những quy hoạch và các hệ thông giao thông đồng bộ. Đặc biệt, hệ thống giao thông vành đai 3,5 hay vành đai 4 sẽ được triển khai trong tương lai sẽ góp phần đưa phía Tây thành phố trở thành khu vực đáng sống.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, thị trường nhà ở gắn liền với đất đang có những xu hướng mới đáng chú ý. Đất nền vẫn là phân khúc được nhiều người quan tâm bởi mức giá hợp lý, đặc biệt là khu vực phía Tây Hà Nội, khu vực có hạ tầng giao thông hoàn thiện tác động mạnh mẽ tới phân khúc này.
Ở góc độ khác, Hoài Đức là “nhà mới” của hàng loạt trường Đại học di chuyển về đây như Đại học FPT, Đại học Thành Đô, Y tế Cộng đồng… Đây cũng sẽ là khu vực sinh sống, học tập của sinh viên thuộc hơn 30 trường Đại học, Cao đẳng tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy…
Việc chỉ cách trung tâm Hà Nội 10 - 15km, với giao thông ngày càng thuận lợi, rất có thể là lý do mà những “đại gia” bất động sản lớn như Vingroup, Lũng Lô 5… quyết định đầu tư dự án nhà ở lớn tại đây và có thể tạo ra xu hướng sống mới tại ngoại thành với môi trường trong lành, không gian rộng rãi mà vẫn có thể dễ dàng di chuyển vào trung tâm làm việc.
Theo Quyết định số 519/2016/QĐ – TTg về Quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030, huyện Hoài Đức sẽ đầu tư mới nhiều tuyến giao thông đảm bảo hạ tầng cho tốc độ gia tăng dân số rất nhanh của huyện, đồng thời kết nối giữa khu đô thị trung tâm và các khu đô thị vệ tinh ở phía Tây thành phố đi qua huyện Hoài Đức.
Các dự án giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai trước năm 2020 như: mở rộng Quốc lộ 32 rộng 35 m kết nối với đô thị vệ tinh Sơn Tây; dự án mở rộng tỉnh lộ 432 rộng 21 m kết nối đô thị Quốc Oai, dự án xây dựng tuyến đường An Khánh – Tây Mỗ… Tại Hoài đức hàng loạt các dự án giao thông được triển khai như tuyến đường Tân Lập – An Khánh – La Phù dài 16 km rộng 50m, dự án Đức Thượng – Phú Diễn – Xuân La, dự án Sơn Động – Xuân Phương – Mỹ Đình…
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]