Đó là cái bánh phồng. Tôi nhanh nhẹn cầm lấy bánh, cho vào miệng cắn “rốp” một tiếng khoái tê tái thần hồn. Rồi sau đó tôi nhẩn nha bẻ từng miếng bánh cắn nhai. Miếng bánh xốp xộp giòn tan trong răng, mềm tan trong miệng, ứa ra vị ngọt thanh của đường, vị béo của bột và nhất là vị béo của nước cốt dừa khiến tâm hồn tôi lãng đãng khôn nguôi.
Nướng bánh phồng. (Ảnh: T.L).
Những lần nhà có đám giỗ, trước khi khoái thích được ăn bánh phồng, tôi ưa nhìn má cùng các chị tôi xúm xít bên nhau. Má tôi chọn loại nếp nhứt, nếp rặt ngâm nước lạnh từ chập tối hôm trước. Gần sáng hôm sau, gút sạch nước trong nếp rồi đem hấp cách thủy trong chiếc nồi bự, làm thành xôi. Khi nếp chín thành xôi, trút vô cối. Anh trai tôi lực lưỡng lãnh nhiệm vụ quết bánh bằng chày vồ.
Khi cối quết “tới” (bột đúng độ dẻo và đều cần thiết) cũng là lúc má tôi cho bột “ăn” đường và nước cốt dừa. Để có cái bánh ngon, má tôi còn cho bột “ăn” một ít đậu nành xay nhuyễn. Việc này khiến chiếc bánh “nhỏ xíu” nở phồng “bự tổ chảng” trên ngọn lửa rơm rừng rực cháy. Bánh quết xong, cả nhà vo bột thành từng viên rồi đem cán.
Đặt viên bột mềm nhão lên mặt chiếc lá chuối láng mướt dầu dừa, tay kia cầm khúc tre láng bóng vừa cán viên bột vừa xoay miếng lá chuối khiến nó dẹp và tròn như vầng trăng. Phơi bánh xong cũng là lúc trời vừa rựng sáng. Nắng tốt phơi nửa ngày là bánh khô.
Bây giờ có rất nhiều bánh công nghiệp đẹp và ngon. Nhưng lúc nào tôi cũng nhớ mùi vị cái bánh nướng trên bếp lửa lớn nở phồng hết cỡ. Ngày nay, bánh phồng đã không còn hiện diện trong các đám giỗ ở thành thị. Nó chỉ có mặt trong những dịp tổ chức món ăn đặc sản Nam Bộ mà thôi!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]