Mỳ cay cấp độ 7
Được lấy cảm hứng từ món mì cay hải sản Jjamppong của Hàn Quốc, mì cay 7 cấp độ đang là món ăn gây tò mò khiến mọi người hứng thú và đều muốn đi ăn thử một lần.
Với 7 cấp độ khác nhau, người dùng thường lựa chọn mức 0,5 là có mức độ cay vừa phải nhất. Ở các mức sau, độ cay sẽ tăng dần đến đỉnh điểm là cấp 7. Một số quán thậm chí còn trao thưởng cho người nào ăn được hết tô mì ở cấp 7.
Mì cay cấp độ 7 là mức độ cao nhất ở độ an toàn con người có thể dùng tính tới thời điểm hiện tại của món mì này. Ban đầu nhiều người hiểu sai về cách tính mức độ cay: mỗi cấp độ cay tương đương với một quả ớt. Tuy nhiên quan niệm này là sai, cấp độ cay của mì cay không thể đánh giá đơn thuần bằng cách quy mỗi cấp độ tương đương với một quả ớt đợt bởi nhiều khách hàng thưởng thức món mì này khẳng định chúng cay hơn rất nhiều.
Mì cay ngon hay không là ở hương liệu làm nước lẩu và phần thịt, hải sản tươi ngon. Còn về độ cay thì các quán mì không khác nhau, hầu hết chúng đều dùng ớt bột loại dùng để làm kim chi Hàn Quốc chế biến.
Trà sữa bóng đèn
Trà sữa là thức uống được ưa chuộng trong giới trẻ. Nếu bạn cũng là một tín đồ của thức uống này mà lại chưa nghe đến trà sữa bóng đèn thì có lẽ bạn đã cập nhật xu hướng chậm hơn giới trẻ trong khu vực châu Á một thời gian. Đây là trào lưu hiện đang được săn đón nhiệt tình ở nhiều quốc gia, bắt nguồn từ ý tưởng của một chủ quán trà sữa tại Đài Loan. Hình ảnh các cô nhân viên có thân hình “vạn người mê” phục vụ trà sữa bóng đèn được đăng tải lên mạng xã hội, tạo nên một cơn sốt mạnh mẽ.
Ở Việt Nam, trà sữa bóng đèn “đổ bộ” lần đầu tiên tại TP HCM và nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ. Hà Nội cũng không đứng ngoài xu thế chung khi hiện nay “trà sữa bóng đèn” là từ khóa được quan tâm trên mạng xã hội.
Hình dạng độc đáo của chai trà sữa khiến các bạn trẻ đua nhau chụp ảnh check-in. Hiểu được tâm lý này, nhiều quán trà sữa đã dán thêm những logo hình thù ngộ nghĩnh, thắt nơ ở cổ chai (phần đui đèn), viết hoặc in tên khách hàng trên vỏ chai… để những bức ảnh thêm phần long lanh.
Bánh mì nướng muối ớt
Thật ra, đây là món ăn của người Khmer ở tận khu vực Bảy Núi, Tịnh Biên (An Giang), cứ thế lan dần vào Long Xuyên, rồi đến các tỉnh tây nam bộ khác và bây giờ là lên tận Sài Gòn và Đà Lạt. Cứ mỗi lần nhảy cóc lên một địa bàn mới, món ăn được biến tấu khác đi một chút theo ý thích của người bán và phong vị thực khách ở từng nơi.
Cái tên bánh mì nướng muối ớt mô tả nguyên thủy cách chế biến của người dân Tịnh Biên, tức là chỉ có bánh mì quết muối ớt bên ngoài và đem nướng giòn trên bếp than. Khi đổ bộ đến các địa phương khác, món ăn được "nâng cấp sang chảnh" bằng cách bổ sung thêm bơ, nước xốt sa tế phết bên ngoài. Khi nướng nóng giòn lên thì bánh được ăn kèm với nhiều món nữa như phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, xốt majonnaise, tương ớt thậm chí cả xúc xích và pa tê tùy mỗi quán.
Xoài lắc
Trào lưu này nở rộ ở TP HCM vào khoảng tháng 4 và đến nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Xoài lắc có hai nguyên liệu chính gồm xoài sống cùng các loại gia vị như muối tôm, mắm đường... Một vài nơi còn cho thêm chà bông, ruốc, bò khô để thực khách nhấm nháp vui miệng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]