Cơm âm phủ
Món cơm nghe rất lạ tai nhưng vô cùng hấp dẫn.
Cái tên nghe lạ tai khiến nhiều người tò mò. Đây là món ăn bình dân ở Huế nhưng cũng là món ăn cung đình xưa kia. Theo tương truyền, trong một lần vi hành, một vị vua triều Nguyễn cảm thấy đói bụng và đã ghé vào một nhà bà lão xin cơm ăn. Bà lão tiếp đãi vua một đĩa cơm nóng với những thức ăn sẵn trong ngày hôm đó như dưa leo, rau cải, trứng, thịt… được thái sợi. Do đang đói nên khi ăn cảm thấy rất ngon, vị vua đã ăn hết. Sau đó đầu bếp cung đình đã chế biến món ăn này cho nhà vua. Sau khi rời cung, vị đầu bếp đã giữ món ăn này và mở quán, chế biến món ăn này gọi là cơm âm phủ, truyền lại cho đời sau.
Ở Huế, có thể dễ dàng tìm món ăn này trên đường Nguyễn Thái Học. Bạn có thể thấy đây là một đĩa cơm “thập cẩm” trộn trong đủ thứ được xắt nhỏ như nem, chả, thịt, nướng, tôm chấy, thịt heo, dưa gang, dưa chuột bóp... ăn với cơm nấu bằng gạo ngon và nước mắm, sự kết hợp rất lạ miệng.
Sà bì chưởng
Du khách đến Sài Gòn nghe món ăn này lạ tai chứ thực chất đây là cách nói khác khi nhắc đến cơm tấm sườn bì chả - món ăn đặc sản của người miền Nam. Hầu như món ăn này được bày bán ở rất nhiều con phố, và hấp dẫn nhiều người từ giới bình dân cho đến những vị khách khó tính.
Dĩa cơm bưng ra với nhiều màu sắc đẹp mắt, thịt sườn mềm, thơm ăn kèm với chả trứng, bì thịt, đồ chua và rau ăn kèm. Ảnh: VNE
Nguyên liệu chính của món này là cơm, sườn, bì, chả. Trong đó cơm phải được nấu từ loại gạo tấm, sườn heo tẩm ướp chua ngọt, chả làm cùng trứng và sợi bì dai. Ngoài ra món còn có thêm chút mỡ hành, ít miếng dưa leo, cà chua hay đồ chua được làm từ cà rốt, củ cải, dưa leo, dưa muối đôi khi là đu đủ.
Bạn có thể tìm ăn cơm tấm Kiều Giang trên xa lộ Hà Nội, cơm tấm 500 An Dương Vương hay cơm tấm Nguyễn Kiệm... Dù cách chế biến khác nhau, nguyên liệu và hương vị đều mang một vị hết sức đặc trưng khó mà cưỡng được.
Pa pỉnh tộp
Nghe tên là lạ nhưng thực chất đây là món cá nướng đặc biệt của người Thái ở Tây Bắc. Nếu có dịp lên Tây Bắc, nhất định bạn đừng quên thưởng thức món ăn với hương vị độc đáo này.
Pa pỉnh tộp là món ăn bạn nhất định phải thử khi đến Tây Bắc.
Pa pỉnh tộp, nghĩa là cá gập nướng, thường có cách làm cầu kỳ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Trong đó, người dân tộc Thái thường sử dụng cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Cá sát muối cùng ớt bột để khử tanh rồi nhồi một số các loại rau thơm, quả mắc khén, gừng, tỏi, sả, hành... vào trong bụng.
Người Thái sẽ gấp đôi mình con cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên than hoa đã quạt hồng. Cá vừa chín tới được gỡ ra khỏi vỉ, hương thơm của cá cùng các loại nguyên liệu lan tỏa. Đây là món ăn rất hấp dẫn những du khách từ dưới xuôi lên. Món ăn đặc sản này của người Tây Bắc được ăn kèm với cơm nếp, rất ngon.
Cháo ấu tẩu
Nếu ai lên cao nguyên Hà Giang thì sẽ không lạ gì món cháo ấu tẩu. Đây là món ăn thường được người dân nơi đây đãi khách đường xa. Củ ấu tẩu có vẻ ngoài giống củ ấu, được ngâm nước gạo và ninh đến khi bở tơi, nấu cùng gạo tẻ, nếp cái, nước hầm chân giò, rắc rau thơm, thịt nạc băm. Cháo có vị đắng, ăn ngon nhất khi trời lạnh, có tác dụng giải cảm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]