Bánh bột lọc là loại bánh nổi tiếng của ẩm thực Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung. Vỏ bánh được làm chủ yếu từ bột năng, còn nhân khá đa dạng: nhân mặn tôm thịt hoặc đậu xanh; nhân chay gồm rau củ quả, nấm và khuôn đậu. Bánh được làm chín bằng hấp hoặc luộc, thỉnh thoảng nó còn được mang ra chiên.
Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mới có bánh này, nhiều nước trên thế giới cũng có những loại bánh tương tự; không chỉ ở hình thức mà còn ở cách chế biến. Ví dụ như loại bánh pierogi nổi tiếng của vùng Đông Âu, nếu không chú ý kỹ, ai cũng tưởng đó là bánh bột lọc.
Há cảo, Trung Quốc
Há cảo là một món ăn khá phổ biến không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở những người nước có nhiều Hoa kiều như Đài Loan, Singapore. Cách làm há cảo tương tự như bánh bột lọc của Việt Nam chúng ta. Tùy theo khẩu bị, vỏ bánh có thể được làm hoàn toàn từ bột năng, hoặc trộn thêm bột gạo hoặc nếp. Nhân cơ bản của há cảo cũng khá giống bánh bột lọc truyền thống: gồm tôm và thịt.
Songpyeon, Hàn Quốc
Songpyeon còn gọi là bánh trung thu của Hàn Quốc. Vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp, còn nhân ngọt chủ yếu được làm từ các loại đậu (xanh, đỏ) hoặc mè. Khác biệt lớn nhất của loại bánh này với các loại bánh cùng loại khác, là nó có rất nhiều màu sắc: xanh, hồng, vàng, nâu; do trộn bột nếp với các loại nước/củ quả có màu như việt quất, trà xanh, bí đỏ, mâm xôi…Còn khi hấp, phải cho lá thông để vừa tạo mùi, vừa giúp bánh không bị dính chùm với nhau.
Ravioli, Ý
Là một loại pasta của Ý. Vỏ bánh thường được làm từ bột mì và trứng. Nhân của ravioli truyền thống thường là nhân mặn với các loại thịt, rau, phô mai. Sau đó luộc lên và ăn với các loại sốt như với mì Ý. Ngày nay, món ăn này có nhiều biến tấu, khi có nhân ngọt hoặc mang ra chiên và nướng, dùng như món ăn vặt. Đặc điểm quan trọng của “bánh” ravioli là vỏ bánh rất mỏng, mềm; khi cắn tan trong miệng. Không như các loại bánh khác, được làm hoàn toàn bằng tay, khi làm ravioli, thường có các dụng cụ tân tiến bổ trợ.
Momo, Nepal
Momo là một loại bánh hấp nhỏ xinh truyền thống của người Nepal. Vỏ bánh được làm từ bột mì và một ít men. Nhân bánh gồm 4 thành phần cơ bản: thịt, rau, đậu phụ, phô mai, khoai tây. Ngày xưa, người ta thường làm chín momo bằng cách hấp, thời nay, người ta còn chiên (kothey momo), hoặc ăn như kiểu ravioli, hoặc bỏ vào nước canh thành soup (C-momo). Ngoài Nepal, nó còn xuất hiện khá phổ biến ở Bhutan và Tây Tang, các nước gần dãy Himalaya.
Manti, Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay cửa ngõ Á – Âu, nên nhiều món ăn ở đất nước này lai tạp phong cách ẩm thực của 2 châu lục này. Manti cũng là một trong những số đó. Về cơ bản, món bánh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ khá giống há cảo của Trung Quốc: nhỏ xinh, vỏ mỏng, nhân nhiều. Tuy nhiên, cách ăn lại khá khác biệt. Nhân truyền thống gồm thịt bò/cừu + rau củ + gia vị; sau khi luộc hoặc hấp, chúng sẽ được dùng với nước sốt, giống món ravioli của Ý. Tuy nhiên, nước sốt của manti không cầu kỳ như ravioli, mà chỉ có 2 thành phần chính sữa chua + tỏi/ tiêu đỏ/ bơ/ bạc hà, tùy mùa.
Pierogi, Đông Âu
Loại bánh đại diện cho vùng Đông Âu này còn có tên khác là varenyky. Vỏ bánh được làm từ bột mì không lên men, được làm chín bằng cách luộc. Nhân truyền thống của pierogi gồm: khoai tây, thịt, cải bắp lên men, phô mai và trái cây. Khi ăn, người ta rưới lên chúng một ít hành khô hoặc kem chua. Đây là loại bánh có hình dáng và cách ăn giống bánh lọc của Việt Nam chúng ta nhất.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]