Thắng dền
Thắng dền có vị ngọt béo cay cay rất hấp dẫn.
Thắng dền là món ăn vặt đặc sản của người Hà Giang trong những ngày đông giá rét ở thị trấn Đồng Văn.
Được làm từ gạo nếp, viên thắng dền (có nhân đỗ hoặc không nhân) hình tròn to hơn ngón tay cái một chút. Nhìn bề ngoài trông nó giống hệt với bánh trôi tàu ở miền xuôi. Trong các cuộc giao lưu, nói chuyện, người ta thích nhâm nhi bát thắng dền được chan bằng thứ nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và cay nóng của gừng, thơm hương lạc hoặc vừng rang chín. Trong thời tiết rét lạnh vùng cao, thắng dền giúp làm nóng người, xua tan giá lạnh rất được mọi người ưa thích.
Rêu nướng
Rêu nướng là món ăn lạ miệng, ngon bổ rất độc đáo của Hà Giang.
Rêu nướng là đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang (xã Xuân Giang). Đồng bào vớt rêu ở suối về vò rửa sạch sẽ rồi tẩm ướp với gia vị, sau đó gói lại bằng lá dong, kẹp que tre và đem nướng trên bếp than. Khi đã chín, rêu trở nên mềm, dậy mùi thơm đặc trưng.
Các bà các chị dân tộc Tày khéo tay, lật dở những que kẹp rêu đều đặn để rêu chín mà không bị cháy.
Rêu nướng không chỉ là món ăn ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Nhiều người sống lâu và sống thọ cho biết họ hay dùng món này. Nên hiện món này đang được rất nhiều người ưa chuộng và mua về làm quà biếu tặng nhau.
Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà là một vị thuốc quý của Hà Giang.
Mật ong bạc hà đã trở thành thương hiệu riêng của vùng Đồng Văn, Mèo Vạc Hà Giang.
Tầm tháng 9-12, mùa hoa bạc hà nở tím khắp nương đồi cao nguyên đá, cũng là lúc người ta thu hoạch được những giọt mật ngọt có mùi hương đặc biệt này. Mật ong bạc hà có vị ngọt đậm đà khác hẳn mật ong của vùng khác, chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và mang lại rất nhiều lợi ích với con người. Chúng được xem như một vị thuốc có dược tính đặc biệt có khả năng bồi bổ sức khỏe, có công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là ẩm thực đặc sắc của chợ phiên vùng cao ở Hà Giang.
Trong các phiên chợ vùng cao, hầu như lúc nào cũng có bán xôi ngũ sắc. Nhưng khách lạ khó có thể biết hàng nào có bán loại xôi này. Các bà bán xôi thường để xôi trong gùi kín để giữ nóng. Có khách mua, họ mới thong thả mở gùi ra, đơm xôi cho khách. Xôi có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh được hoà hợp lại tạo lên món ăn ngon mà bắt mắt. Được làm từ gạo nếp nương của người dân tộc, xôi ngũ sắc rất dẻo và thơm, đặc biệt để lâu cũng không dễ khô cứng. Không cần ăn với bất kì thứ gì khác, chỉ với một chút muối vừng cho thêm phần đậm đà, bạn sẽ nhớ mãi không quên món ăn “sắc vị câu toàn” này của đồng bào dân tộc.
Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu giúp con người chống lại cái lạnh giá trên cao nguyên.
Danh mục món ngon Hà Giang không thể thiếu được món cháo ấu tẩu này. Người mới ăn lần đầu có thể chưa cảm thấy thích món này do mùi vị hăng hăng lại hơi đắng của nó. Nhưng những người đã ăn được thì lại dễ nghiền món này.
Củ ấu tẩu ninh nhừ cho bở tơi ra, rồi trộn với gạo nếp nấu thành cháo bằng nước dùng từ chân giò lợn. Khi ăn, người ta sẽ trộn cháo nóng và chân giò ninh nhừ kèm chút hành thái rắc bên trên. Chao ấu tẩu thơm ngậy, bùi cay, hơi đắng là món ăn giữ nhiệt tốt dưới thời tiết giá lạnh của vùng cao nguyên đá vào mùa đông.
Phở chua Hà Giang
Phở chua Hà Giang là món ăn được nhiều người ưa thích
Em bé dân tộc được mẹ cho ăn phở trong phiên chợ vùng cao.
Khác với phở chua Lạng Sơn, phở chua Hà Giang được ăn như món phở trộn. Có nguồn gốc từ Trung Quốc, món phở chua Hà Giang, người địa phương gọi món này là “Lường Pàn” nghĩa là “Phở mát”, có vị chua chua, lạ miệng thích hợp ăn vào mùa hè.
Món này dễ chế biến: Bánh phở tươi, thịt lợn rán hoặc vịt quay, lạc rang lạp xưởng hay xúc xích tự chế trộn kèm với nước chấm chua ngọt ăn kèm với rau thơm, đu đủ nạo hoặc dưa chuột thái chỉ. Vậy là bạn đã có được một tô phở chua Hà Giang ăn rất mát rồi.
Dừng chân ở Hà Giang, bạn đừng quên món điểm tâm phở chua này để thỏa mãn khẩu vị nhé.
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn
Bánh cuốn Đồng Văn đã có mặt trong top những đặc sản Hà Giang.
Nhìn bề ngoài, bánh cuốn Đồng Văn cũng không khác gì với bánh cuốn miền xuôi. Nhưng có điểm khác là ở đây bánh cuốn được phục vụ kèm với một bát nước dùng có miếng chả thơm và lá mùi tàu thái nhỏ thay vì ăn với nước mắm pha.
Bột bánh rất thơm, không hề có hàn the nên cũng rất mềm. Theo yêu cầu người ăn, cô bán hàng sẽ có thể đập thêm quả trứng gà khi tráng bánh cho khách bên cạnh nhân thịt mộc nhĩ truyền thống. Miếng bánh mềm mịn mà không nát, trứng gà chín lòng đào chấm vào bát nước canh xương ngọt lừ đã quyến rũ rất nhiều du khách khi đến với cao nguyên đá Đồng Văn.
Bánh tam giác mạch
Bánh tam giác mạch màu tím nhạt, có hương vị núi rừng hăng hăng.
Hoa tam giác mạch hiện đang là điểm nhấn nổi bật của du lịch Hà Giang. Du khách khắp nơi đổ về để ngắm hoa, tham dự lễ hội hoa và đừng quên nếm bánh nướng làm từ bột hạt cây tam giác mạch.
Rất dễ nhận ra hàng bán bánh ở chợ bởi các bà, các chị người Mông mặc váy xòe hoa thường ngồi bên bếp than có xếp những chồng bánh. Bánh tam giác mạch có màu tím nhạt với những chấm tím sậm nổi lên li ti. Bẻ một miếng bánh vừa nướng xong, còn nóng hôi hổi đưa vào miệng, bạn sẽ thấy bánh rất mềm xốp, nhai bùi bùi và có mùi ngai ngái hăng hăng của cây rừng.
Người dân tộc đi chợ thường mua bánh này ăn với thắng cố giống như bánh ngô hay bánh gạo vậy.
Thắng cố
Thắng cố là món không thể thiếu trong phiên chợ vùng cao. Từ bao lâu nay, hình ảnh những người đàn ông quây quần quanh chảo thắng cố, nhâm nhi bát rượu ngô, đã trở thành hình ảnh đặc trưng của chợ phiên của đồng bào dân tộc. Có lẽ sẽ phải cần một chút dũng khí cho bạn khi nếm thử khi nhìn thấy những miếng thịt, nội tạng trôi nổi trong thứ nước dùng đậm màu nghi ngút này. Nhưng nếu chưa ăn qua thắng cố, thì bạn chưa thật sự tham gia chợ phiên vùng cao nguyên đá này đâu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]