1. Bún bò Huế
Tô bún bò Huế với nước dùng đậm đà hương vị, thoang thoảng mùi sả, nổi bật bên trên những sợi bún trắng tinh là miếng thịt bò nạm dai dai hay cục giò chín mềm. Khi ăn nêm thêm một ít mắm ruốc, ớt xắt hoặc ớt sa tế. Bưng tô bún, vừa húp xì xụp vừa hít hà bởi vị cay nồng và hơi nóng lan tỏa khắp người, xua tan đi cái lạnh buổi ban mai.
Đĩa rau sống ăn kèm bún bò ở Đà Lạt rất lạ so với những vùng miền khác. Không phải rau muống hay bắp chuối mà là xà lách bào thật nhuyễn. Không cần chần sơ rau trước khi ăn nên vẫn giữ được độ giòn và tươi ngon của rau.
Quán bún Công (1/1B Phù Đổng Thiên Vương) hay Xuân An (15A Nhà Chung) là địa điểm thưởng thức món bún bò Huế được nhiều du khách yêu thích khi đến Đà Lạt. Ngoài bún, quán Xuân An buổi chiều còn nổi tiếng với món bánh canh bột gạo.
2. Mì Quảng
Mì Quảng Đà Lạt mang phong cách rất riêng, thường được chan nhiều nước dùng với màu đỏ cam bắt mắt, sợi mì vàng óng, miếng thịt sườn non hay cốt lết thấm màu hạt điều hấp dẫn, bên trên rắc thêm đậu phộng, vài miếng bánh tráng mè nướng giòn. Muốn ăn thập cẩm thì có thêm trứng cút, tôm tươi hay miếng giò nạc.
Màu sắc và hương vị hài hòa trong tô mì Quảng nghi ngút khói, khiến bạn chỉ muốn thưởng thức “ngay và luôn”. Bạn cũng đừng quên bỏ thêm ít rau xà lách bào, vừa tăng độ dai giòn cho mì Quảng vừa ăn không bị ngấy.
Nếu muốn ăn sáng bằng món mì Quảng Đà Lạt, có thể đến đường Nhà Chung, có rất nhiều quán cho bạn lựa chọn. Còn vào buổi chiều thì bạn nên thưởng thức ở ấp Ánh Sáng (Bà Triệu - Nguyễn Văn Cừ).
3. Phở
Món phở ở Đà Lạt cũng là những nguyên liệu quen thuộc: nước dùng ngọt thanh, bánh phở dai dai, thịt bò mềm, nước béo mỡ màng… Có khác chăng khi được ăn kèm với nhiều loại rau tươi ngon và thưởng thức trong cái lạnh đặc trưng của cao nguyên.
Đà Lạt có nhiều tiệm phở, nhưng lâu đời và nổi tiếng nhất là phở Bằng (đường Nguyễn Văn Trỗi). Thuận tiện cho du khách thì có phở Hiếu (đường Tăng Bạt Hổ) nằm gần chợ Đà Lạt. Ngoài ra còn có phở Vy (đường Trần Quý Cáp), phở Thưng (đường Phan Đình Phùng)…
4. Bánh căn
Bánh căn là món ăn sáng bình dân và quen thuộc của người Đà Lạt. Vào buổi sáng, đi bộ trên những con phố nhỏ, bạn sẽ bắt gặp hàng bánh căn bên vỉa hè chỉ đơn sơ chiếc ghế nhỏ, cô chủ quán tay thoăn thoắt đổ bột bánh vào khuôn, xung quanh đông đúc thực khách ngồi chờ đến lượt phục vụ.
Thưởng thức bánh căn “đúng điệu” Đà Lạt, ngoài chén nước mắm hoặc mắm nêm bỏ thật nhiều mỡ hành còn có thêm viên xíu mại nhỏ xíu. Khi ăn, nhúng cả cái bánh nóng hổi vào chén mắm và cho vào miệng để cảm nhận vị ngọt của bánh, vị béo của mỡ hành cùng vị cay cay của ớt, của xíu mại hòa tan trong miệng. Nhân bánh căn rất đa dạng, từ trứng gà, trứng cút, cho đến thịt băm, mực, tôm. Tuy nhiên, chiếc bánh không giản dị chan mắm cũng đủ làm bạn no căng bụng mà vẫn thòm thèm.
Bánh căn được bán buổi sáng ở nhiều vỉa hè trên đường Tăng Bạt Hổ, Phan Đình Phùng, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Công Trứ…
5. Bánh bột lọc
Bánh bột lọc tuy là món ăn nhẹ xế chiều nhưng nhiều người Đà Lạt vẫn thích thưởng thức vào buổi sáng. Vỏ bánh làm từ bột năng; nhân bánh gồm nhân mặn là thịt ba chỉ và tôm rim, còn nhân ngọt là đậu xanh. Bánh gói trong lá, được hấp chín nhưng vỏ bánh vẫn giữ được độ dai dẻo, phần nhân đậm đà, ăn kèm với nước mắm pha ớt cay nồng sẽ khiến bạn xuýt xoa giữa trời lạnh.
Bánh bột lọc cũng được bán phổ biến ở những con phố nhỏ, đông người. Tuy nhiên, để dễ tìm, bạn nên đến khu ăn uống của chợ Đà Lạt hoặc ghé vào quán vỉa hè nằm trong hẻm trên đường Tăng Bạt Hổ, ngoài bánh bột lọc, quán còn có các loại bánh lá khác như bánh nậm, bánh giò.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]