Một trong những niềm vui còn sót lại của dân Sài Gòn có lẽ là lúc nào cũng được ăn phủ phê những món ngon lành. Cứ ra đường phố Sài Gòn, bạn sẽ bắt gặp hằng hà sa số hàng quán bán đồ ăn. Món chính ngon, mà món vặt cũng ngon. Nếu là lần đầu tiên bạn đặt chân đến Sài Gòn, bạn nhất định phải thử qua những món trong danh sách dưới đây.
1. Cơm tấm sườn bì chả
Nhắc đến Sài Gòn món đầu tiên mà bất kỳ ai nghĩ đến có lẽ là cơm tấm. Đây là món ăn phổ biến đến nỗi ở Sài Gòn người dân ăn món này từ bữa sáng cho đến bữa tối. Các tỉnh khác đều có cơm tấm phong cách Sài Gòn nhưng ăn chắc chắn không giống như các bạn ăn tại Sài Gòn.
Món này có tên là Cơm Tấm vì trước đây món này được nấu từ gạo “tấm” có nghĩa là loại gạo nứt, vỡ, hình thức xấu chứ ko được nguyên hạt như loại gạo đắt tiền. Phổ biến nhất là cơm tấm sườn nướng, nhưng các quán cơm luôn phục vụ các loại khác nữa như cơm tấm gà quay, cơm tấm sườn bì chả… Dĩa cơm luôn được phục vụ kèm dưa góp, một bát canh và một chén nước mắm chua ngọt để suất cơm trở nên đậm đà và hấp dẫn hơn. Cá nhân mình thì không thích ăn cơm tấm ở các nhà hàng lớn, nó không phải phong cách ở đây, mình thích ăn ở những quán ăn vỉa hè, những xe đẩy ngay trên đường phố và gọi kèm 1 ly trà đá. Thế mới là thưởng thức đặc sản vùng miền.
2. Bánh mì
Bánh mì Sài Gòn rất phong phú các loại nhân. Từ các loại nhân đơn giản như chả lụa, trứng ốp la... đến nhân đặc trưng vùng đất này như bì, sườn, hay hiếm có như phá lấu Tiều. Mỗi loại có điểm nhấn riêng, thơm ngon Đó cũng là một trong những nguyên nhân bánh mì Sài Gòn được nhiều tạp chí, website du lịch bình chọn vào top món ngon đường phố ngon nhất thế giới.
3. Bún bò huế
Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế, từ lâu cũng trở nên rất phổ biến tại Sài Gòn. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng.
4. Bánh canh cua
Bánh canh cua là đặc sản miền Trung nhưng được người Sài Gòn ưa chuộng. Bánh canh cua có hai loại là nguyên con hay đã tách lấy thịt. Tuy cách chế biến khác nhau song đều hút khách với vị tươi, ngọt, săn chắc của loại hải sản này.
5. Bún - lẩu mắm
Lẩu mắm ngon nhất thì phải về miền Tây (Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An), nhưng nếu không có thời gian thì bạn có thể thưởng thức lẩu mắm ngay tại Sài Gòn. Nồi lẩu mắm quan trọng nhất là nước dùng, phải chế biến từ loại mắm ngon, nêm nếm khéo léo cho vừa ăn. Lẩu mắm ở Sài Gòn thường có rau muống, kèo nèo, bông súng, đậu bắp, bạc hà, bắp chuối, rau nhút.
Giống như lẩu mắm, nước dùng là thành phần quan trọng nhất của món bún mắm. Tô bún mắm ngon không quá ngọt, quá mặn hay cay nhưng cũng không hề nhạt nhẽo, nhất là không thể thiếu vị thơm nức của mắm. Ăn bún mắm ngoài lát cá, thịt heo quay, tôm, mực, không thể thiếu đĩa rau sống với rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, cọng bông súng, húng thơm. Một số quán ăn ghi điểm thêm nhờ tô nước mắm me chua chua ngọt ngọt rất hấp dẫn.
6. Các món ốc
Lê la mấy tiếng đồng hồ ở Sài Gòn vào đêm mà chưa một lần bước vào quán ốc, gọi cho mình thố nghêu hấp xả, sò điệp nướng phomai, càng ghẹ rang muối ớt, sò lông nướng mỡ hành... thì nghĩa là bạn chưa thật sự hiểu Sài Gòn. Ốc được xem là món ăn không thể thiếu của người Sài Gòn. Có hàng trăm quán ốc mọc lên như nấm ở Sài Gòn và quán nào cũng đông nghẹt khách. Mỗi quán đều có riêng cho mình thực đơn đa dạng. Ốc Sài Gòn tươi roi rói, nêm nếm đậm đà và ăn hoài không ngán.
7. Bánh xèo
Ở miền Tây, bánh xèo được tráng trong chảo lớn, trên bếp củi chắc hoặc than. Ở Sài Gòn, do có điều kiện nên người ta đổ bánh xèo bằng bếp ga. Người tráng bánh phải thật nhanh tay và ¬ước lượng thời gian chính xác thì bánh mới mỏng và giòn đều. Bánh xèo đổ đúng điệu phải có tiếng kêu "xèo" khi vừa cho bột vào. Bạn phải đợi chảo thật nóng, cho dầu ăn vào, chờ dầu sôi mới đổ bánh.
8. Bánh tráng Trảng Bàng
Mặc dù đây là món ăn có nguồn gốc từ Trảng Bàng, Tây Ninh nhưng đã trở nên rất phổ biến ở Sài Gòn. Ở Sài Gòn các tiệm bánh tráng Trảng Bàng mọc lên như nấm nhưng hàng ngon nhất có lẽ vẫn là Bánh tráng Trảng Bàng Hoàng Ty ở số 70 Võ Văn Tần. Điểm đặc biệt của bánh tráng là phải được phơi sương mới ngon và ăn kèm phải đủ các loại rau ở Trảng Bàng mới đủ vị. Rau thơm ở trong vườn thì có húng lủi, cần nước, tía tô, dấp cá, hẹ, ngò…Còn có cả các loại lá non, rau mọc dại ở trên rừng hoặc ở bờ sông, rạch, suối… như lá cóc, trâm ổi, lá nhái, lá lụa, đọt vừng, đọt kim cang, đọt lá xộp, quế, đọt bứa, rau câu, lá cách… Tính ra phải đến hơn 30 loại rau thơm và lá non các loại cho đủ 5 vị: chát, ngọt, chua, béo, thơm. Mình từng ăn ở nhiều quán bánh tráng Trảng Bàng nhưng chỉ thấy quán này mới có đầy đủ các loại lá kể trên.
9. Bánh tráng trộn
Người ta vẫn hay bảo Sài Gòn là nơi mà người dân tứ xứ tụ về làm ăn, mua bán, thế nên Sài Gòn làm gì có “đặc sản” vì đã bị pha trộn hết rồi. Ngẫm kĩ điều này vừa đúng vừa không đúng. Một số món ăn “đặc sản Sài Gòn” bây giờ là du nhập từ các tỉnh khác, nhưng ở thành phố phồn hoa này, chúng được tô vẽ, được biến tấu, trở thành món ăn độc nhất mà có thể chẳng thể tìm thấy mùi vị thế này ở đâu ngoài Sài Thành.
Bánh tráng trộn xuất xứ từ món bánh tráng muối tôm tỉnh Tây Ninh. Nhưng khi đến Sài Gòn, bánh tráng trộn được "hô biến", thêm nào khô bò, rau răm, xoài chua... và trở thành đặc sản Sài Gòn đích thực từ khoảng 8 – 9 năm trở lại đây. Bây giờ một gói bánh tráng trộn “đúng chuẩn” Sài Gòn có không dưới 10 thành phần nguyên liệu. Có thể tìm ăn món này ở mọi cổng trường học, công viên... với giá từ 10.000đ đến 20.000đ
10. Món gỏi cuốn
Gỏi cuốn là món ăn no, khi ăn chấm với mắm nêm pha hoặc tương, chỉ khoảng 3 – 5 cuốn là người ăn đã no “ứ hự”. Một cuốn gỏi có giá từ 5.000đ trở lên tuỳ thành phần bên trong nhiều hay ít thịt, tuỳ nơi bán là “sang chảnh” hay bình dân. Gỏi cuốn dễ ăn trong khí hậu đỏng đảnh nóng nực của thành phố phương Nam này, dùng để ăn trưa những ngày oi nồng hay ăn xế lót dạ sau khi tan sở đều hợp.
11. Hủ tiếu Nam Vang
Đến Sài Gòn bạn đừng nhất định nên ăn thử món hủ tiếu với đủ các loại hủ tiếu đa dạng với xuất xứ từ người Chăm hay người Hoa. Sợi hủ tiếu dài, dai hơn sợi bún, có hai loại là hủ tiếu “dai”, sợi mảnh, bột dai, giòn lật sật. và hủ tiếu “mềm”, sợi bánh bảng to hơn, mềm mỏng, trơn mướt.
Đến Sài Gòn ngoài ăn hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu mì Tàu (khu người Hoa) thì nhất định phải ăn hủ tiếu gõ. Đây có thể xem là “lối sống”, “lối ăn” riêng rất đặc trưng ở thành phố hoa lệ này. Hủ tiếu gõ bình dân chỉ từ 10.000đ đến 15.000đ, thịt xắt mỏng với vài lát tóp mỡ bên trên nước rồi chán dùng nấu xương đơn giản vậy thôi, nhưng xa Sài Gòn, hiếm ai không nhớ xe hủ tiếu nghi ngút khói thơm lừng.
12. Bột chiên
Bột chiên là món ngon vốn gốc từ người Hoa ở khu quận 5, quận 11 của thành phố. Nhưng vì quá hấp dẫn, mà bột chiên đã dần “phủ sóng” khắp thành phố và trở thành một trong những món ăn đặc trưng của Sài thành. Bột chiên thật ra rất đơn giản, chỉ là những khối bột gạo được xắt vuông vừa ăn, xóc qua hắc xì dầu, nước tương, chiên trên chảo cho vàng giòn mặt ngoài, nóng bên trong, cùng với trứng, hành lá.
Đĩa bột chiên thơm nức mũi, bên ngoài giòn rộm, bên trong mềm lại có trứng bùi béo được ăn kèm với đồ chua và chấm với nước tương dấm có vị chua ngọt khiến ai nếm cũng phải mê. Và du khách khi đã nếm một lần rồi khi rời đi chắc chắn sẽ đôi lần thèm, nhớ.
13. Lẩu cá kèo
Lẩu là một món ăn quen thuộc từ Hà Nội cho tới Sài Gòn, nhưng lẩu cá kèo thì là món ăn đặc trưng vùng miền. Cá kèo là một loài cá nhỏ bằng ngón tay, da trơn, phải bỏ vào nổi lẩu khi còn sống, có vị tanh nhưng thịt lại rất ngọt, mềm và không có xương dăm nên rất dễ ăn. Đây là món ăn miền Tây nhưng nổi tiếng khắp cả nước nhờ vào sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn cả 3 vị: chua, cay và ngọt.
14. Các món chè
Chè miền Nam rất phong phú, từ các loại chè nóng như chè bà ba, chè chuối thưng, chè khoai môn đến chè lạnh như chè đậu đen, chè thập cẩm, chè Huế, chè của người Hoa đều rất hấp dẫn với vị nước cốt dừa béo ngậy và vị ngọt, bùi của nguyên liệu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]