ảnh: GTVT
Theo ông Quyền, hiện Tổng cục đã trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi thông tư 46 về đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, chương trình đào tạo lái xe số tự động sẽ song song với chương trình lái xe số sàn như hiện nay.
Người dân hoàn toàn chủ động quyền lựa chọn. Nếu lái cả số sàn và số tự động thì thực hiện học, thi và cấp bằng như hiện nay.
Còn những người chỉ học và thi số tự động sẽ có giáo trình riêng. Cụ thể, chương trình học lái xe số tự động giảm 60 tiết so với giáo trình hiện nay.
Theo chương trình đào tạo số tự động, sau khi đỗ sát hạch, học viên được cấp giấy phép lái xe giống như hiện nay nhưng phía sau có ghi rõ “Chỉ được lái xe số tự động”.
Về chi phí đào tạo, ông Quyền khẳng định sẽ thấp hơn so với số sàn hiện nay. Tuy nhiên, mức cụ thể phụ thuộc từng đơn vị đào tạo trên cơ sở có sự chấp thuận của Sở GTVT các tỉnh, thành.
Ông Quyền nhấn mạnh, những người muốn được cấp giấy phép lái xe số sàn và số tự động vẫn được đào tạo theo giáo trình hiện tại.
Liên quan đến việc đổi GPLX qua bưu điện, ông Quyền cho biết Bộ GTVT đang làm việc với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.
Theo đó, thông qua dịch vụ bưu điện, Sở GTVT các địa phương sẽ phối hợp với bưu điện tiến hành làm thủ tục đổi GPLX nhanh gọn, thuận tiện nhất cho người dân.
Cụ thể, người dân có thể đến cơ sở bưu điện địa phương làm thủ tục. Tại đây, bưu điện sẽ bố trí người chụp ảnh, thu thập thông tin hồ sơ rồi chuyển về Sở GTVT làm thủ tục cấp đổi.
Theo cách đổi này, người dân phải trả một phần phí dịch vụ cho bên bưu điện.
Ông Quyền cho biết, đây là bước tiếp theo để cải cách thủ tục hành chính trong cấp đổi GPLX của Bộ GTVT.
Ông Quyền cho biết, từ 20/8 tới đây, khi công ước Vienna (Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ) có hiệu lực, Tổng Cục đường bộ sẽ bắt đầu cấp giấy phép lái xe quốc tế ở các địa phương trên toàn quốc.
Theo đó, người có giấy phép lái xe quốc tế sẽ được điều khiển xe tại hơn 73 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giấy phép lái xe quốc tế có hình thức dạng quyển giống như hộ chiếu, thể hiện bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng bản địa, có giá trị sử dụng ở phần lớn là các nước châu Âu và 5 nước khu vực Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Philippines và Indonesia.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]