Ngày 6/1, Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị thiết bị PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã ra quân tại một số điểm dừng xe trên các tuyến cao tốc trên toàn quốc để kiểm tra, nhắc nhở lái xe, chủ phương tiện trang bị đầy đủ trang thiết bị PCCC theo quy định
Lái xe bất ngờ
Trực tiếp kiểm tra tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), cho biết, phần lớn các lái xe bị kiểm tra đều tỏ ra bất ngờ. Tuy nhiên, họ đều đồng thuận quy định mới và chỉ có một vài trường hợp thiếu phương tiện chữa cháy.
"Những ngày đầu, lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chấp hành quy định và hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung liên quan" - đại tá Thắng cho biết, việc xử lý vi phạm sẽ thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.
Theo quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải trang bị phương tiện PCCC gồm ôtô 4 chỗ ngồi trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.
Căn cứ danh mục thiết bị PCCC, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4 kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg.
Từ 6/1, lực lượng chức năng bắt đầu ra quân xử lý ôtô không trang bị bình cứu hỏa. Ảnh: Việt Đức
Việc xử lý vi phạm sẽ căn cứ vào Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, PCCC.
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ, hoặc không đồng bộ; không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
Lãnh đạo Cục cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm được cảnh sát PCCC phối hợp với CSGT triển khai theo chuyên đề do cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, CSGT được phép dừng xe, kiểm tra độc lập các phương tiện vi phạm lưu thông trên đường.
Theo thẩm quyền, cảnh sát PCCC có quyền kiểm tra an toàn PCCC định kỳ hoặc đột xuất tại các bến xe, cơ quan, xí nghiệp và hộ gia đình có đầu tư, sử dụng ôtô từ 4 chỗ trở lên. Quá trình làm nhiệm vụ, cảnh sát PCCC sẽ kết hợp kiểm tra việc chấp hành quy định về trang bị thiết bị cứu hỏa trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Kiến nghị không cấp đăng kiểm cho ôtô vi phạm
Vẫn theo đại tá Đoàn Hữu Thắng, sau khi Thông tư 57 có hiệu lực, Bộ Công an sẽ kiến nghị cơ quan chức năng ngừng cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC.
"Hiện, các cơ sở đăng kiểm vẫn cấp giấy chứng nhận cho ôtô từ 4 chỗ trở lên không có phương tiện chữa cháy. Tuy nhiên, cơ quan công an sẽ họp bàn, thống nhất với Bộ GTVT để bổ sung quy định về đảm bảo PCCC đối với phương tiện".
Bộ Công an sẽ kiến nghị không cấp chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện thiếu thiết bị cứu hỏa. Ảnh: Việt Đức
Trước việc nhiều phương tiện khi sản xuất không được thiết kế chỗ đặt bình cứu hỏa, đại điện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo lái xe nên bố trí thiết bị PCCC tại nơi dễ thấy, dễ lấy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của lái xe.
“Nếu ôtô chưa bố trí nơi để treo, đặt bình cứu hỏa thì chủ phương tiện nên để ở hốc cánh cửa trước, cửa sau hoặc gầm ghế. Cục đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chi tiết về các cách lắp đặt, sử dụng phương tiện PCCC trên xe ôtô để tuyên truyền đến người dân” - đại tá Thắng thông tin.
Liên quan đến vấn đề cháy nổ ôtô, chuyên gia về PCCC cảnh báo chủ phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện tiêu thụ điện, đồng thời cần thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe, tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng.
Khi gặp sự cố cháy ôtô, cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi đông người, nơi có nhiều chất dễ cháy. Lập tức thông báo cho mọi người trên xe thoát ra ngoài. Tùy tình huống cụ thể để áp dụng giải pháp chữa cháy thích hợp như tắt khóa điện, hô hoán để mọi người đến trợ giúp hoặc gọi Cảnh sát PCCC.
Trường hợp phát hiện khói, lửa trong nắp capô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước khi mở nắp capô để xử lý.
Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa. Trường hợp không có khả năng dập tắt ngọn lửa thì nên tránh xa để tránh cháy nổ.
Ngày 6/1, Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT 14 phát hiện Công ty TNHH xuất nhập khẩu và phát triển Ngọc Linh, ở đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) sản xuất hàng loạt bình chữa cháy giả.
Tại kho xưởng của công ty này, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vỏ bình chữa cháy cũ đã qua sử dụng và tem giả có in dòng chữ "Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy của Trường Đại học PCCC". Qua xác minh, đơn vị nói trên khẳng định không ủy quyền hay cho công ty Ngọc Linh sử dụng tem nhãn hợp quy của doanh nghiệp. Chủ cơ sở khai nhận đã mua vỏ bình chữa cháy trôi nổi trên thị trường sau đó mang về xưởng tái chế để tiêu thụ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]