Lật lại lịch sử, cách đây khoảng hai năm, một đại diện của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (UB ATGTQG) đề xuất cần có lộ trình giảm xe máy trong cả nước nói chung và riêng đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì cần có lộ trình tiến tới cấm xe máy trong nội đô.
Thế nhưng, ý kiến của vị đại diện UB ATGTQG bị dư luận từ báo chí, các diễn đàn đến các trang mạng xã hội phản ứng dữ dội. Sức phản ứng mạnh đến mức Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phải “đính chính” là mới chỉ là đề xuất chứ Bộ chưa hề có quyết định nào như vậy để hạ nhiệt những cái đầu nóng.
Quay trở lại vấn đề nóng bỏng, dễ đụng chạm đến nhiều thành phần xã hội này, chúng tôi rất đồng tình với TS Nam, và quan điểm của chúng tôi cũng ủng hộ những luận điểm của ông :
Thứ nhất, việc cấm xe máy là vấn đề không thể tiếp tục né tránh
Sự hiện diện của “bầy đàn” xe máy trên đường phố tại Việt Nam được báo giới nước ngoài miêu tả là sự “lộn xộn”, “hỗn loạn” và cực kì “nguy hiểm”. Sự kéo dài của nền văn minh xe máy cũng giống như sự tồn tại của văn hóa lúa nước nông nghiệp, đại diện cho sự lạc hậu, bảo thủ và nghèo đói.
Nhìn lại trên thế giới, đặc biệt là ở những đô thị lớn và hiện đại, được xếp vào hàng đáng sống nhất trên thế giới, chúng ta thấy được gì chứng tỏ sự văn minh của họ ? Đó là một Tokyo với hệ thống tàu điện ngầm đan xen lan tỏa khắp mọi nơi, là một London với những chiếc xe bus hai tầng đã trở thành biểu tượng,…Nét văn minh đó của họ được thể hiện qua những phương tiện giao thông công cộng, loại hình giao thông tiến bộ nhất mà con người phát kiến ra.
Một góc Yangon - đường phố gọn gàng vì thiếu....xe máy ( Ảnh sưu tầm )
Đã có những ý kiến cho rằng nước ta còn nghèo, cấm xe máy làm sao được. Vậy xin mời bạn hãy nhìn sang Yangon, thủ đô của Myanmar, một đất nước mới được “mở cửa kinh tế thị trường” từ….2012, và tất nhiên là nghèo hơn Việt Nam rất nhiều. Vậy mà họ đã cấm xe máy từ rất lâu rồi, và đường phố của Yangon hiện tại dù chẳng thể xếp vào hàng đẹp đẽ, nhưng cũng là điều mơ ước của bao người dân Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, tất cả bởi vì sự vắng mặt của xe máy. Lào, Camphuchia còn làm được việc này, vậy tại sao Việt Nam lại không thể ?
Thứ hai, việc cấm xe máy chính là giảm tỉ lệ tai nạn giao thông
Về mặt lý thuyết, xe máy là sự tổng hợp của tốc độ ô tô và sự linh động của xe đạp. Nhưng ô tô với lớp vỏ bảo vệ dày dặn cùng hàng loạt quy chuẩn an toàn, cùng với sự nhẹ nhàng, thanh thản của xe đạp lại cho thấy xe máy vô cùng nguy hiểm. Bởi nếu đi xe máy, bạn sẽ được chạy nhanh như ô tô nhưng lại được hưởng sự bảo vệ an toàn của ........xe đạp.
Rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe máy ( Ảnh : sưu tầm )
Điều này có thể thấy theo những thống kê gần đây, số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam năm 2012 là 9.820 người, số người bị thương gấp 5 lần số tử vong. Trong đó , hơn 70% là các vụ tai nạn xe máy và liên quan đến xe máy. Điều này chứng tỏ xe máy đang dần trở thành những “hung thẩn” xa lộ, “quan tài di động” trên đường.
Thứ ba, xe máy chính là nguyên nhân của sự nông thôn hóa đô thị
Bạn đã bao giờ thắc mắc là tại sao các gánh hàng rong, các loại chợ cóc, chợ tạm, những vỉa hè ăn uống lấn cả lề đường vẫn mặc nhiên tồn tại dù các cơ quan chức năng ra sức dọn dẹp ? Và bạn có nhận ra khách hàng của những hàng quan trên đa phần là những người đi xe máy, có lẽ là họa hoằn lắm mới có một người đi ô tô dừng lại sử dụng những dịch vụ trên. Lẽ tất nhiên, có đầu vào ắt có đầu ra, hàng loạt vấn đề về rác thải, ô nhiễm nước thải, không khí của đô thị cũng từ những loại hình dịch vụ đậm chất “nông thôn” này mà ra. Sự xuất hiện của xe máy dẫn đến tâm lý tiện lợi, tiện đâu tạt đó, thích đâu ghé đó cho người dân, bất chấp những quy định của pháp lý cũng như nét văn minh của nếp sống đô thị. Vô hình chung, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp thì những người đi xe máy đang góp phần vào công cuộc nông thôn hóa đô thị.
Xe máy góp phần nông thôn hóa đô thị ( Ảnh : sưu tầm )
Thứ tư, cấm xe máy là loại bỏ “văn hóa, tư duy xe máy”
Với những người dân Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh thì nạn kẹt xe là chuyện thường xuyên như cơm bữa. Nhìn vào những giao lộ bị tắc nghẽn, không khó để nhận ra thành phần hỗn loạn, lộn xộn nhất chính là những người đi xe máy. Người thì len lỏi giữa các dòng ô tô, kẻ thì lấn sang làn ngược chiều, chưa kể đến hàng dài xe máy luồn lách, leo lên vỉa hè, “mở đường máu” bằng mọi cách bất chấp luật lệ. Đông đúc là thế, ấy vậy mà chỉ cần một va chạm nhỏ nhặt, chẳng ai hấn gì, chỉ cần giải quyết bằng một lời xin lỗi và một nụ cười, vậy mà tất cả cũng sẵn sàng bỏ mặc đàn đàn lũ lũ phương tiện méo mặt đợi ở đằng sau mà xử lí nhau ngay và luôn. Nhẹ thì sứt đầu chảy máu, nặng thì đi viện, người nằm nhà xác, kẻ vô nhà đá.
Văn hóa xe máy là....leo vỉa hè ( Ảnh : sưu tầm )
Hãy thử nhìn ở nước ngoài, khi tắc đường họ vẫn điềm tĩnh ngồi trong xe và chờ đợi cơn ách tắc trôi qua. Họ tuân thủ đúng luật, chẳng bao giờ có chuyện lấn làn, vượt ẩu. Ai cũng đi phần đường của mình, và kết quả là giao thông được thông suốt nhanh chóng. Và tuyệt nhiên, trong cái bức tranh đẹp ấy, xe máy không xuất hiện.
Khung cảnh tắc đường rất...bình yên vì không có xe máy ( Ảnh : sưu tầm )
Nhìn một cách sâu xa, xe máy chính là thứ làm nên một văn hóa hết sức “đường phố” và “hoang dã”. Những người đi xe máy chỉ biết mỗi việc lên xe, nổ máy và đi, mặc kệ hết những quy định luật pháp hay quy chuẩn an toàn. Mỗi chiếc xe máy đi trên đường như một chiếc quan tài di động với một tử thần ngồi bên trên. Đáng buồn hơn, những “tử thần” ấy lại mang một văn hóa rất lùn và yếu kém.
Tất nhiên, việc cấm xe máy sẽ cần một lộ trình chứ không thể ngay lập tức cấm ngay được. Tuy nhiên, việc này không khó, bởi đã có quá nhiều tấm gương cho chúng ta học hỏi. Vấn đề là chúng ta đã có đủ dũng khí và quyết tâm thực hiện cái việc loại trừ xe máy - sản phẩm đã lỗi thời của lịch sử hay không mà thôi.
Theo - Tinmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]