Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) giờ là một địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước. Giá trị di sản vốn có và tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) đem đến cho vùng đất này những lợi thế đặc biệt, đó chính là giá trị để tạo ra nguồn sinh kế mới cho sự phát triển. Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, do những tác động của con người, sự biến đổi khí hậu... khiến những diện tích rừng, cây cảnh quan trên CNĐĐV ngày càng suy giảm. Từ đó, tạo ra không ít những cảnh quan trơ chọi đất, đá, những con đường thiếu bóng cây xanh.
Đào cảnh quan được trồng trên đường lên Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn
Nhận thấy thực tế này và để thực hiện tốt các tiêu chí, khuyến nghị của Mạng lưới CVĐCTC về xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị CVĐCTC – CNĐĐV, năm 2011, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Phương án về trồng cây cảnh quan (CCQ) tại CVĐCTC – CNĐĐV và các khu vực lân cận giai đoạn 2011 – 2015. Mục tiêu của Phương án nhằm trồng cây tạo cảnh quan, cải thiện môi trường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, tăng thu nhập cho một bộ phận đồng bào; góp phần nâng cao độ che phủ rừng, tạo nguồn sinh thuỷ phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt là việc hình thành các điểm nhấn về cảnh quan để góp phần thu hút khách du lịch.
Thực hiện Phương án trồng CCQ trên CNĐĐV những năm qua, các huyện CNĐĐV đã tích cực vào cuộc. Qua đó, có 2 loại cây được Phương án của tỉnh đưa ra và được các địa phương áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế là đào và mận. Đây là những loại cây truyền thống, tạo nên nét riêng cho CNĐĐV. Tại nhiều địa điểm, sau vài ba năm triển khai đến nay, đã dần cho thấy những kết quả khi những dáng đào, dáng mận và nhiều loại cây khác đã vươn lên trên đá, tạo những cảm giác về cảnh quan thân thiện và tươi mát.
Anh Đồng Anh Đài, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Cái khó của việc triển khai Phương án trồng CCQ trên CNĐĐV những năm qua là việc triển khai trồng theo hình thức lâm nghiệp nhưng lại trồng phân tán với mật độ khoảng 400 cây/ha trên tổng diện tích là 500 ha. Việc trồng CCQ phải thực hiện ở những địa điểm như ven đường, những nơi đất cằn cỗi, cây khó phát triển hoặc dễ bị người và gia súc tác động, khó bảo vệ. Dù khó nhưng qua triển khai cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương. Trong điều kiện khó khăn như vậy, theo đánh giá việc triển khai phương án đạt khoảng 70% về số lượng cây trồng sống và phát triển (Mục tiêu của Phương án tỉnh đề ra là trồng 500 ha CCQ trên địa bàn 4 huyện và 1 thuộc địa bàn huyện Vị Xuyên là xã Minh Tân).
Có dịp đến các địa phương như Phố Cáo, Sủng Là, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn), xã Pả Vi (Mèo Vạc), xã Quản Bạ (Quản Bạ), thị trấn trung tâm 4 huyện CNĐĐV... có thể dễ dàng nhận thấy những dấu ấn của CCQ đang dần hiện lên. Đến xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, chúng tôi được lãnh đạo Đảng ủy xã cho biết: Nơi đây có điều kiện tự nhiên vô cùng khó khăn với đá nhiều, nước ít, những năm qua mặc dù địa phương phải nỗ lực không ngừng cho công cuộc XĐGN, song cấp ủy, chính quyền nơi đây đã ý thực được trách nhiệm trong việc trồng CCQ. Qua đó, tích cực vận động, triển khai việc trồng đào cảnh quan tại khu vực trung tâm xã, nhiều tuyến đường trên địa bàn và đặc biệt là tuyến đường qua xã lên Cột cờ Lũng Cú.
Tại nhiều huyện, vào dịp đầu năm thường phát động Tết trồng cây gắn với trồng CCQ trên các tuyến đường, đặc biệt là tại các công sở, các điểm nhấn du lịch của địa phương, khu vực quanh các hồ treo. Từ đó, trong một vài năm tới, khi những cây đào, mận, sa mộc, hồng không hạt... cảnh quan trưởng thành sẽ tạo nên một bản sắc cho các đô thị cũng như các địa phương vùng CNĐĐV. Cùng với đó, những năm qua, nhiều gia đình trên CNĐĐV đã có ý thức gìn giữ những cây đào, mận Cổ của gia đình. Giường như mỗi ngôi nhà hay mỗi trụ sở thôn có một cây đào, cây mận bung nở hoa vào mỗi độ Tết đến, Xuân về đã trở thành bản sắc của vùng Đá vậy.
Có thể nói, CCQ là điều không thể thiếu ở mỗi vùng đất. Chính CCQ sẽ góp phần tạo nên sinh khí và sự hấp dẫn, thân thiện của mỗi vùng đất. Từ thực tế cho thấy, chính những CCQ như những dặng Sa mộc trước Dinh thự Nhà Vương, CCQ làm hộ lan đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường qua xã Lao Và Chải, Yên Minh, những rặng sa mộc mới lớn ở làng văn hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Là, Đồng Văn; quần thể cây di sản ở làng Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn... đã cho thấy những lợi thế và tầm quan trọng của CCQ.
Việc trồng CCQ tại CVĐCTC – CNĐĐV là việc cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hà Giang cũng như Đề án đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị CVĐCTC – CNĐĐV, Dự án Đầu tư bảo vệ phát triển rừng 4 huyện vùng cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giúp cho CNĐĐV phát triển theo hướng bền vững. Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở thời gian triển khai Phương án, giai đoạn 2011 – 2015 mà những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục trồng CCQ, trong đó cần nghiên cứu khả năng thực hiện các loại CCQ khác, trong đó chú trọng cây có hoa hoặc có quả có thể sử dụng để tạo nên sự phong phú, muôn mầu cho vùng CNĐĐV.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]