Nơi đây được xem như cửa ngõ của tuyến du lịch di sản miền Trung với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng như: Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, vườn quốc gia Vụ Quang, hồ Kẻ Gỗ, Núi Hồng, Đèo Ngang, Thác Vũ Môn…trong đó không thể không nhắc tới Thiên Cầm - nơi được mệnh danh là “đàn trời trên biển”.
Thắng cảnh Thiên Cầm thuộc huyện Cẩm Xuyên, kéo dài từ Cẩm Hòa đến Kỳ Xuân, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 20km, gồm quần thể núi, biển, đền, chùa. Nơi đây từng gắn với hai truyền thuyết trong lịch sử. Có thuyết cho rằng thời vua Hùng thứ 13 cùng tùy tùng đi qua vùng này, khi đêm dừng lại nghỉ thì bỗng nghe đâu đây văng vẳng tiếng gió reo giữa trời mây non nước hòa cùng với sóng biển rì rào tạo thành một bản nhạc trong veo, thánh thót như bản hòa tấu độc đáo của thiên nhiên. Chính vì thế, vua đã đặt cho địa danh này tên “Thiên Cầm” nghĩa là “đàn trời” và phê bút lên ngọn núi gần đó ba chữ “Thiên Cầm Sơn”.
Nhưng theo một truyền thuyết khác thì nơi đây lại chính là dấu tích bi thương đánh dấu sự sụp đổ của một triều đại. Vào năm 1407 khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, quân Hồ đã bại ở Bạch Hạc, sau đó lui về Thanh Hóa cố thủ nhưng không được. Giặc Minh đã truy đuổi và bắt giữ hai cha con Hồ Quý Ly tại đây, vì vậy mới có tên Thiên Cầm - nghĩa là “trời giữ”.
Trong dân gian còn lưu truyền những câu thơ: “Đàn trời văng vẳng khắp đâu đây/…Trời nước một màu thật đắm say” nhưng “Bởi người mưu sự trời không thuận/…Thiên Cầm ai oán nghẹn ngào dây”.
Thiên Cầm có tới 3 bãi tắm kéo dài hàng chục cây số. Nước biển trong xanh màu ngọc bích hòa cùng nền trời tạo thành một không gian thơ mộng đến nao lòng. Từ đỉnh núi nhìn xuống, bờ biển uốn lượn mềm mại với cát trắng phẳng lì trông như một dải lụa. Du khách có thể thảnh thơi ngồi trên các phiến đá ngắm không gian non nước mây trời và thả hồn mình theo những huyền tích xa xôi.
Núi Thiên Cầm cao hơn 108m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng làng quê yên bình và dải Trường Sơn xanh ngắt, trùng điệp. Trên núi có rất nhiều thắng cảnh để thưởng ngoạn như hang Hồ Quý Ly, bàn thờ tiên, phiến đá in dấu chân người khổng lồ, chùa Cầm Sơn… Mùa xuân đến, núi Thiên Cầm lại rực rỡ sắc hoa bằng lăng, hoa trâm ổi, hoa sim…
Theo hướng Đông, chúng ta có thể nhìn thấy một ngọn núi nhô mình ra biển, đó chính là hang Bãi Lài. Du khách đến nơi đây sẽ được thưởng thức nguồn nước ngọt mát chảy ra từ lòng núi. Tương truyền xưa kia các nàng tiên thường bay xuống tắm vào mùa hè, vì thế mới có giếng gọi là giếng Tiên. Ngoài hang Bãi Lài, Thiên Cầm còn có đảo Hòn Én, Hòn Bớc như những cánh phao nâu đang dập dềnh trên sóng…Cách biển khoảng chừng 10km lại có đập hồ Kẻ Gỗ, phong cảnh sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người.
Khi mặt trời mọc, biển - trời - núi Thiên Cầm hòa quyện vào nhau, nhuộm một sắc vàng rực huy hoàng, lúc chiều xuống lại khoác lên mình màu áo đỏ lộng lẫy và đêm đến, “thành phố ánh sáng” trên biển sẽ hiện lên dưới những ngọn đèn đánh cá của ngư dân. Đặc biệt vào những buổi có trăng, biển Thiên Cầm đẹp như chốn đào nguyên, trăng vàng như rót mật, sóng lấp lánh như ánh bạc, cảnh vật tĩnh lặng trầm tư dưới ánh trăng soi. Đứng trước biển Thiên Cầm, du khách có thể thả hồn mình theo những con sóng êm đềm và áng mây trôi, bước chân trên thảm cát mềm mịn như nhung lụa. “Đàn trời gảy một nét thơ/Nửa miên man cát nửa mơ mộng ghềnh”.
Gần đường ra biển Thiên Cầm còn có ngôi chùa Yên Lạc xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 13 và đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong chùa có bộ tranh “Thập Điện Diêm Vương” vô cùng nổi tiếng.
Thiên Cầm là một vùng biển nguyên sơ đầy tiềm năng mà ít nơi trên đất nước ta có được. Vừa có vẻ đẹp hùng vĩ từ núi rừng tĩnh lặng, lại có nét quyến rũ từ sóng biển mênh mông. Đến với mảnh đất này, du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú và tiếng vọng từ thinh không làm thanh thản lòng người.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]