Festival Huế 2016 sẽ diễn ra từ ngày 29/4 đến 4/5. Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế", Festival năm nay thu hút 24 đoàn nghệ thuật của 18 quốc gia, cùng với các đoàn nghệ thuật trong nước.
Festival Huế 2016 sẽ tiếp tục có chương trình lễ hội đường phố hứa hẹn đầy ấn tượng.
Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2016, cho biết đây là lần đầu tiên cố đô tổ chức lễ hội vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Những kỳ Festival trước đây đều tổ chức vào khoảng giữa tháng 4.
"Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy muốn quảng bá di sản, văn hóa Huế thì phải vào đúng dịp đông khách đến thưởng ngoạn nên quyết định tổ chức vào dịp này. Hiện 97% các khách sạn đã có khách đặt phòng", ông Dung nói.
Ngoài các sự kiện chính như Đêm Hoàng Cung (có yến tiệc cung đình), Lễ Tế Giao, trình diễn áo dài "Rực rỡ kinh kỳ" trong không gian cổ kính, Festival năm nay sẽ tiếp tục với lễ hội đường phố "Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á - Mỹ La Tinh", đêm nhạc Trịnh Công Sơn, giao lưu với các đoàn nghệ thuật...
Trước đây, Festival Huế không có các tôn giáo tham gia, nhưng năm nay sẽ có Lễ hội đèn Quảng Chiếu (âm nhạc và múa Phật giáo). "Huế có hơn 60% người dân theo đạo Phật. Chúng tôi đã có ý tưởng làm lễ hội này và được Giáo hội Phật giáo đồng ý ngay", ông Dung nói.
Festival Huế đang hướng đến mọi người. Ngoài lễ hội dành cho thiếu nhi với chủ đề "Sắc màu tuổi thơ", các bạn trẻ cũng có cơ hội thỏa "cơn khát" nhạc Rock với đêm nhạc "Lửa cố đô" tại sân vận động tự do. Những người có sở thích ăn uống có điểm đến là Liên hoan ẩm thực quốc tế tại Nghinh Lương Đình với 100 gian hàng.
Hoạt cảnh đám cưới công chúa trong chương trình Đêm hoàng cung tại Festival Huế 2014.
"Năm nay, hàng trăm đại biểu ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ đến Huế chỉ để bàn về ẩm thực cố đô. Thêm vào đó, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức lễ hội khinh khí cầu, với 9 khinh khí cầu lớn, đội ngũ phi công là người nước ngoài, hy vọng du khách sẽ được nhìn ngắm vẻ đẹp của Huế từ trên cao", ông Dung thông tin.
Kỳ Festival này, các chương trình được giao cho từng nghệ sĩ của Huế phối hợp với các nghệ sĩ khác cùng làm, thay vì một người phụ trách như trước. "Ban tổ chức cũng chỉ đưa ra nội dung và khung chương trình lớn cho từng nghệ sĩ. Còn làm thế nào thì chúng tôi không can thiệp sâu, bởi như thế sẽ tốt hơn so với cái gì chúng ta cũng nhúng vào, trong khi không có đủ chuyên môn, thời gian để làm việc đó", ông Dung chia sẻ.
Phó chủ tịch tỉnh cho biết, kỳ Festival thứ 9 này, Huế đã huy động nguồn xã hội hóa vào lễ hội lớn nhất từ trước đến nay. Như đêm nhạc Trịnh Công Sơn, được gia đình tổ chức trên chính con đường mang tên cố nhạc sĩ bên sông Hương, với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng khắp cả nước.
Với mục tiêu người dân sẽ góp phần làm lên lễ hội, năm nay các chương trình Hương xưa làng cổ, hay chợ quê ngày hội, quảng diễn đường phố sẽ tạo điều kiện tối đa cho người dân và du khách cùng tham gia. Ban tổ chức cũng đã thành lập tiểu ban về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, y tế để phục vụ người dân.
Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, năm nay là kỳ thứ 9. Cùng với việc tái hiện nhiều lễ hội chốn hoàng cung, giữa những không gian của Kinh thành Huế, lễ hội còn là dịp quảng bá văn hóa, du lịch của mảnh đất cố đô. Nhiều triển lãm bảo vật cung đình cũng được trưng bày trong dịp này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]