Một buổi biểu diễn hát dân ca ví, giặm trên sông của các nghệ sỹ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ và thành viên Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Bồi Sơn, huyện Đô Luơng, Nghệ An. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Để việc bảo tồn, khôi phục dân ca Ví, Giặm, phát huy hết những giá trị của loại hình dân ca đặc sắc này, tỉnh Nghệ An đang xây dựng những chương trình du lịch phù hợp với những đặc thù của loại hình văn hóa dân gian này nhằm giới thiệu cho du khách những giá trị tích cực cũng như sự độc đáo, sinh động của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Cụ thể là xây dựng chương trình du lịch có kết hợp đưa dân ca Ví, Giặm vào chương trình, tổ chức giao lưu trực tiếp cùng bạn bè bốn phương bằng chính những điệu Ví, câu Giặm; tổ chức những chương trình du lịch chuyên đề về dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để giới thiệu cho du khách về nét văn hóa đặc trưng của xứ Nghệ.
Trong hành trình về thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn-Nghệ An, du khách có thể dừng chân để thưởng thức làn điệu dân ca Ví, Giặm của Câu lạc bộ ví phường vải xã Kim Liên. Vẫn khung cảnh quay xa, dệt vải, vẫn áo dài, khăn đóng… những điệu ví xao xuyến, ân tình, những điệu Ví, Giặm được những nghệ nhân cất lên làm sống lại không gian diễn xướng của thế kỷ trước.
Câu lạc bộ Ví phường vải đang trong quá trình thử nghiệm, biểu diễn, khôi phục lại không gian diễn xướng để du khách có thể cảm nhận rõ rệt về khung cảnh, không gian xưa của làng quê Việt.
Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Liên, cho biết xã đang tạo điều kiện hết mức cả về kinh phí lẫn mời các nghệ sỹ của các đoàn chuyên nghiệp trong tỉnh về cùng Câu lạc bộ tập luyện. Trong đó, khôi phục các làn điệu cổ cũng như khuyến khích viết lời mới phù hợp với đời sống đương đại hiện nay.
Cùng với Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, rất nhiều Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã chọn sân đình làng làm nơi sinh hoạt Câu lạc bộ. Xưa, đình được xem là trung tâm chính trị văn hóa của làng, đưa câu lạc bộ ra đây tập luyện và tổ chức các chương trình biểu diễn dân ca là nhằm sống lại không khí xưa.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết hiện nay, khi một số phường nghề phổ biến gần như đã mất đi thì những không gian đó cần được thay thế bằng lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, đình chùa di tích lịch sử, văn hóa. Không gian này vẫn có thể hút hồn dân ca Ví, Giặm khi được diễn xướng tại đây
Nghệ An cũng củng cố mối liên kết ngành văn hóa-khoa học-giáo dục hay hoạt động văn hóa - hoạt động kinh tế - hoạt động du lịch trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lập trang web để giới thiệu và phổ biến rộng rãi về dân ca Ví, Giặm tới nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế./.
Theo Vietnamplus
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]