Cuối năm ngoái, sau khi có lệnh cấm phát triển các loại hình du lịch trên đảo, nhiều người còn tưởng du khách không được bén mảng hòn đảo này nữa. Thực tế du lịch trên đảo vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.
Bãi Nồm có những hòn đá hình thù lạ mắt. Ảnh: N.M.Hà.
Bội thực tôm
Ca nô chứa được 18 người từ cảng Ba Ngòi ra đảo mất 18 phút, trung bình mỗi phút chạy hơn 1 km. Nhanh và xóc đến nỗi hành khách có cảm giác mình đang phi trên nền cứng. Mỗi người mất 100.000 đồng cho hải trình tốc hành này. Nếu đi tàu chợ cùng bà con dân đảo phải mất một tiếng - lên xe của công ty du lịch rồi, chúng tôi mới biết điều này. Hướng dẫn viên (HDV) nói tiền tour gồm vé tàu chợ rồi, nếu khách muốn đi ca nô cao tốc chỉ phải trả thêm 100.000 đồng/người cả đi lẫn về. Như vậy, giá tour đội lên gần 20%. Đúng là nghệ thuật bán tour. Vì nếu gộp giá thuyền cao tốc ngay từ đầu, có lẽ khách sẽ chọn mua tour của hãng khác dù chỉ rẻ hơn vài chục ngàn.
“Nếu cả xe thống nhất thì tôi mới lấy vé ca nô,” HDV lịch sự. Nhưng ai còn muốn đi tàu chợ khi tự dưng mất đứt 2 tiếng quý báu trên đảo. Chưa kể HDV còn “vô tình” miêu tả dân chất đủ thứ rau củ gà qué lên tàu ra đảo. Thực tế, tour Bình Ba một ngày kể từ khởi hành đến khi về khách sạn (tại Nha Trang) chưa đầy 10 tiếng, đúng là chỉ đủ cưỡi xe máy xem lướt đảo. Muốn đi sớm hơn cũng khó vì lễ tân khách sạn (đặt tour giúp) cho hay, báo khởi hành 8 rưỡi có khách đã kêu không dậy được. Chả trách, vì Nha Trang về đêm vốn sôi động.
Nhưng Bình Ba còn đắt hơn thế. Mấy ai ra đến “vương quốc tôm hùm” mà kiềm chế nổi. Trước khi xuống nhà hàng nổi để ăn trưa, du khách phải đi qua một dãy thùng hải sản tươi sống. Nhà hàng bán hai loại tôm hùm: khoảng 2 lạng/con giá 1,1 triệu đồng/kg; loại 4 lạng/con - 1,2 triệu đồng/kg. Cả đoàn đều rút hầu bao mua loại to.
Xong xuôi bước xuống nhà hàng, mới thấy một bàn đầy đồ ăn. Nhưng tôm thì đã đem vào bếp rồi. Cả đoàn thống nhất tôm để hấp. Tôi định nướng nhưng mọi người bảo nướng “nó chảy mất chất ngọt, phí”(!) Đợi mãi không thấy tôm đâu. Đành nhập tiệc. Các món hải sản chế biến sơ sài nhưng toàn đồ tươi nên nói chung ngon. Ăn gần hết các thứ mới thấy tôm bưng ra. Vâng, ở đâu tôm hùm hiếm hoi chứ ở đây đúng là tôi phải cố mới nuốt hết phần tôm của mình. Tất nhiên là cảm giác ngấy nhiều hơn ngon. Chắc phải rất lâu nữa mới có hứng xơi lại món này.
Nếu “dân thường” thỉnh thoảng mới mua ngao, sò, mực… để cải thiện thì người Bình Ba ngày nào cũng ném những thứ này xuống biển (chính xác là phạm vi cái lồng đặt dưới biển), mà phải tươi ngon thì các “ông tôm” mới xơi cho. Mỗi ngày một lồng tôm ngốn 5-6 triệu tiền thức ăn là thường. Tôm hùm chưa thể nhân giống nhân tạo, phải bắt trong tự nhiên và nhập từ các nước xung quanh.
Cát lạ
Trước khi ăn trưa, đoàn được dẫn tới 3 điểm để ngắm cảnh và chụp ảnh. Đầu tiên là hòn Rùa - doi đá nhô ra biển giống hệt con rùa biển, phần mai là rừng thông, đầu và chân thò ra là đá trọc. Cạnh hòn Rùa là bãi tắm cát trắng nhỏ xinh. Nhìn từ trên cao thấy mấy người mặc áo phao đang ra lặn ngắm san hô. HDV quảng cáo nhiều bãi tắm khi nước rút, san hô còn sống lộ ra đầy.
Điểm đến tiếp theo là bãi Nhà Cũ, có rất nhiều mô tô nước (jetski) lượn trên mặt biển. Đứng từ trên đường nhựa đã thấy từng đám san hô sẫm màu trong nước. Theo HDV thì jetski là một trong những sát thủ san hô ghê gớm. Bình Ba cách bán đảo Cam Ranh chưa đầy 300 m. Nhưng Cam Ranh có căn cứ quân sự nên dân tình phải đi đường vòng. Đứng từ bên đảo nhìn về phía Cam Ranh khung cảnh đẹp hùng vĩ. Du khách nào đã đến Bình Ba hẳn đều phải tới đây “check-in”.
Ăn xong, cả đoàn len lỏi qua khu dân cư để đến bãi Nồm. Dân ở đây bảo Nồm chưa phải là bãi đẹp nhất đảo. Nhưng có vẻ như đây là bãi tiện nghi nhất cung cấp hầu hết các dịch vụ khách đi biển cần. Jetski chào giá 200 ngàn/chuyến đi lòng vòng ngắm cảnh nhưng ít ai mặn mà. Nếu có tờ rơi nói rõ nội dung chuyến đi chắc sẽ hiệu quả hơn.
Vẻ đẹp của Nồm, tôi thấy rất cá tính. Nồm chạy vòng cung giữa hai doi đá. Một đầu cát rất mịn và thô dần, cho đến đầu kia toàn san hô vụn. Hình như thời gian gần đây san hô chết nhiều hơn. Chúng bị sóng đánh vụn cuốn vào đây. Phía cát mịn không có đá ngầm, khách tha hồ bơi còn đầu kia đá nhiều sóng dữ chỉ để giỡn chơi. Ở khoảng chia 2/3 bãi, một tảng đá hình hạt óc chó (cao chừng 4,5 m) nổi lên sừng sững như mời gọi du khách leo lên. Không chỉ cao nhất bãi, hòn đá này nổi bật với sắc trắng - có vẻ như khác loại với đồng bọn xung quanh.
Tận cùng của bãi, phía cát thô là chân núi với một bãi đá lớn nhiều hình thù khó lường. Trên đó có quán cà phê và lối đi dựng sẵn bằng tre. Chúng tôi vừa lò dò tính vào khám phá thì chủ quán ra chào hỏi và đòi 15.000 đồng/người tiền tham quan. Rất tiếc đang mặc đồ bơi không mang tiền, đành quay về. Theo chủ quán cà phê, chỉ dân Bình Ba mới được khai thác du lịch trên đảo.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]