Du khách nước ngoài tham quan đình thần Thắng Tam.
Đình thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng. Ban đầu, đình chỉ làm bằng tre lá. Năm 1835, nhân dân đã đóng góp tu sửa, lợp mái ngói cho đình. Đến năm 1965, đình được trùng tu, xây dựng kiên cố và giữ nguyên bố cục kiến trúc như ngày nay. Hiện nay, lăng cá Ông trong quần thể di tích đình Thắng Tam còn lưu giữ bộ xương cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ cách đây hơn 100 năm.
Nhiều năm nay, đình thần Thắng Tam là điểm nhấn thu hút du khách trong hành trình du lịch Vũng Tàu. Mỗi ngày, nơi đây đón khoảng 500 lượt khách đến hành hương, thăm viếng, trong đó có nhiều khách nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu. “Hàng năm, chúng tôi đưa khoảng 7.000 khách nội địa và quốc tế đến BR-VT. Đình thần Thắng Tam là địa chỉ không thể thiếu khi chúng tôi thiết kế tour tham quan cho khách, bởi nơi đây thể hiện những đặc trưng về tín ngưỡng, văn hóa, quá trình lập làng dựng ấp của người Vũng Tàu qua kiến trúc, phong tục thờ cúng, những câu chuyện truyền miệng được kể trong đình làng”, anh Nguyễn Văn Lãm, hướng dẫn viên Công ty du lịch Vidotour (TP. Hồ Chí Minh) cho biết.
Hàng năm, đình thần Thắng Tam có 3 lễ hội lớn là cầu an (từ 17 đến 20-2 âm lịch), Nghinh Ông (từ 16 đến 18-8 âm lịch) và miếu Bà (từ 16 đến 18-10 âm lịch). Theo Ban quản lý khu di tích lịch sử đình thần Thắng Tam, vài năm gần đây, các lễ hội lớn trong năm của đình được TP. Vũng Tàu nâng cấp về quy mô, trong đó, lớn nhất là lễ hội Nghinh Ông có mở rộng thêm phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, chương trình nghệ thuật tạo không khí sôi động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho nhân dân và phát huy giá trị của lễ hội, đồng thời nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương.
Ông Trương Văn Khôi, Trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử đình thần Thắng Tam cho biết, lễ hội miếu Bà (từ 16 đến 18-10 âm lịch) có nghi thức rước Thủy Long thần nữ từ miếu Bà tọa lạc trên Hòn Bà về nhập điện tại đình thần Thắng Tam. Do vậy, Hòn Bà và miếu Bà tọa lạc tại Bãi Sau có mối quan hệ gắn bó với đình thần Thắng Tam. Ban quản lý khu di tích lịch sử đình thần Thắng Tam đang hoàn tất hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cho Hòn Bà; đồng thời tính đến việc xây dựng đội ngũ thuyết minh viên, hệ thống lại tiểu sử, lý lịch di tích, các nghi thức thờ cúng của đình để công bố thống nhất, rộng rãi cho quần chúng biết.
Vào những ngày rằm lớn trong năm như: rằm tháng giêng, rằm tháng 4, rằm tháng 7, hàng ngàn người dân và du khách hành hương viếng miếu Bà trên Hòn Bà. Tuy nhiên, muốn ra được Hòn Bà, khách phải đợi thủy triều xuống rồi đi bộ trên con đường đầy đá sắc nhọn. Từ giá trị về cảnh quan thiên nhiên, vị trí tọa lạc của Hòn Bà, năm 2012, Trung tâm Quy hoạch xây dựng tỉnh đã đặt vấn đề đầu tư, tôn tạo, bảo tồn để đưa Hòn Bà và miếu Bà thành điểm nhấn tâm linh phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của ngư dân và khách du lịch, kết nối trên bờ dưới biển ở mọi điều kiện thời tiết và các khu vực xung quanh tạo thành quần thể du lịch tâm linh, dịch vụ hoàn chỉnh.
Theo ông Bùi Thanh Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vũng Tàu, khu vực chân dốc Nghinh Phong phía biển, bao gồm cả Hòn Bà được TP. Vũng Tàu dành để phát triển du lịch. Tuy nhiên, khu vực này chưa có quy hoạch chi tiết. “Quan điểm của TP. Vũng Tàu là phải bàn bạc kỹ lưỡng khi quy hoạch nơi đây cho phù hợp hài hòa với tổng thể cảnh quan tuyến ven biển và mục tiêu phát triển du lịch của địa phương, sau đó mới chấp thuận cho đầu tư vào khu vực này”, ông Nghĩa cho biết.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]