Theo ông Trần Đức Diễn các đơn vị phân phối ký hợp đồng đặt cọc mua nhà là không vi phạm các quy định bởi hợp đồng mua bán chỉ được ký khi dự án đã đủ điều kiện bán nhà theo đúng quy định. Từ đó có thể thấy hình thức “lách luật” huy động vốn này rất khó kiểm soát và người mua nhà vẫn có thể gặp rủi ro khi chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án.
Lần đầu tiên, Sở Xây dựng Hà Nội công bố danh sách 26 dự án bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán hàng. Theo danh sách của Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố thì 26 dự án bất động sản hình thành trong tương lai này được đưa vào kinh doanh với tổng cộng 10.163 căn hộ chung cư và 585 nhà thấp tầng. Trước đây, việc chủ đầu tư bán nhà “trên giấy” chỉ cần có thông báo thì nay phải được Sở Xây dựng xác nhận theo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc làm này nhằm bảo vệ người mua nhà, giúp người mua tránh được những rủi ro, hạn chế việc chủ đầu tư huy động vốn không đúng mục đích. Đồng thời biện pháp này cũng là 1 cách để thanh lọc, minh bạch thị trường. Khi công bố dự án đủ điều kiện bán hàng là người mua xác định được những chủ đầu tư này đã đủ điều kiện bán hàng, dự án đầy đủ tính pháp lý...
Thế nhưng, biện pháp này liệu có giúp người mua nhà tránh được rủi ro khi hiện nay hàng loạt dự án, chủ đầu tư vẫn đang “lách luật” để bán hàng?
Ngay cả trong danh sách 26 dự án được Sở Xây dựng vừa công bố đủ điều kiện bán nhà “trên giấy” thì cũng có không ít dự án đã mở bán từ trước đó rất lâu. Ví dự như trường hợp Dự án 219 Trung Kính của Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà. Phải đến ngày 21-1-2016, Sở Xây dựng Hà Nội mới có văn bản xác nhận dự án này đủ điều kiện bán nhà, nhưng từ vài tháng cuối 2015, một số đơn vị phân phối của dự án này đã rao bán căn hộ với tiền chênh cả trăm triệu đồng mỗi căn hộ.
Trao đổi với PV, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Maxland thừa nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản, các dự án chạy đua quyết liệt như hiện nay, việc các sàn giao dịch bất động sản mở bán khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng là điều dễ hiểu. Khi thị trường ấm lại, nguồn cung căn hộ ngày càng tăng cao thì các đơn vị phân phối phải tranh thủ từng thời điểm để tìm kiến nguồn khách hàng. Tất nhiên, việc này cũng phải có sự thống nhất từ phía chủ đầu tư.
Ảnh minh họa.
Tuy vậy, theo ông Trần Đức Diễn các đơn vị phân phối ký hợp đồng đặt cọc mua nhà là không vi phạm các quy định bởi hợp đồng mua bán chỉ được ký khi dự án đã đủ điều kiện bán nhà theo đúng quy định. Từ đó có thể thấy hình thức “lách luật” huy động vốn này rất khó kiểm soát và người mua nhà vẫn có thể gặp rủi ro khi chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án. Trong những trường hợp như thế này thì thiệt hại của khách hàng là không nhỏ khi số tiền bỏ ra ký hợp đồng đặt cọc lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Hãy là người tiêu dùng thông thái”, đó là lời khuyên của đại diện một doanh nghiệp khi đề cập đến vấn đề này. Theo vị này thì không kể những trường hợp xấu nhất, ngay cả đối với những doanh nghiệp đang muốn xây dựng hình ảnh, uy tín thì khách hàng vẫn có thể gặp rủi ro bởi thực tế thị trường bất động sản nhiều năm qua đã chứng minh, việc đảm bảo tiến độ dự án luôn là vấn đề, phát sinh mâu thuẫn giữa khách hàng và chủ đầu tư.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]