Mercedes-Benz là hãng mở đầu với hàng loạt mẫu xe tăng giá. Theo đó, giá bán mới các dòng xe tăng thấp nhất là 20 triệu đồng, trung bình 150-250 triệu đồng và cao tới 1,28-1,8 tỷ đồng.
Cụ thể, model A 200 tăng 30 triệu đồng; CLA tăng 20 triệu đồng; A 250 và CLA 250 4Matic đều tăng 50 triệu đồng. Đối với Model E-Class, mẫu xe E200 tăng 60 triệu đồng từ 1,939 tỷ đồng lên thành 1,999 tỷ đồng; E200 Edition E cũng tăng 60 triệu đồng (1,989 tỷ đồng lên 2,049 tỷ đồng); mẫu xe E400 tăng giá 80 triệu đồng, từ giá cũ 2,799 tỷ đồng lên 2,879 tỷ đồng.
Mẫu xe tăng cao nhất có mức tăng lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Một loạt mẫu xe BMW từ các cửa hàng tại Hà Nội cũng có bảng giá mới, với mức tăng từ 49 triệu đồng đến 650 triệu đồng. Ngoài ra các mẫu xe của Porsche như Porsche Macan có mức tăng 290 triệu đồng và Porsche Macan S có mức tăng 250 triệu đồng...
Mức tăng cao nhất rơi vào các mẫu xe nhập khẩu như AMG GL63 4Matic tăng giá đến 1,28 tỷ đồng (giá mới 8,389 tỷ đồng; giá cũ 7,109 tỷ đồng); hoặc mẫu xe AMG G65 tăng giá từ 14,689 tỷ đồng lên 16,499 tỷ đồng (tăng hơn 1,8 tỷ đồng).
Dòng xe SUV của Mercedes-Benz có mức tăng giá khá cao như GLE 400 4Matic, tăng 200 triệu đồng hoặc GL400 4Matic tăng 150 triệu đồng; còn GL500 4Matic lại tăng đến 370
Nói về nguyên nhân tăng giá xe, một số DN cho biết, Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô. Quy định mới buộc các DN nhập khẩu phải tính thêm chi phí vận chuyển nội địa, marketing, lợi nhuận... vào giá vốn để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm cho giá xe tăng.
Ngoài ra, từ ngày 3/12/2015, cơ quan Hải quan cũng đã nâng giá tính thuế nhập khẩu với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, mỗi chiếc tăng hơn vài nghìn USD so với trước. Cùng với đó là tỷ giá ngoại tệ so với nội tệ tăng khiến cho xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng chi phí, cao nhất là với xe sang, vì vậy giá bán bắt buộc phải tăng.
Tăng bừa bãi?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn nghi ngờ về giá xe tăng quá cao trên thị trường. Phân tích của một chuyên gia tài chính cho thấy, nếu chỉ tính riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, theo cách tính của Thông tư 195/2015/TT-BTC (hướng dẫn thi hành Nghị định108/2015/NĐ-CP), do Bộ Tài chính ban hành, thì chi phí với ô tô nhập khẩu có tăng thêm, nhưng không quá cao.
Chuyên gia này cho biết, sau khi áp mức tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định mới, chỉ những chiếc xe siêu sang mới có mức tăng thêm từ 200-300 triệu đồng, còn lại đều dưới 100 triệu đồng.
Đây là ví dụ tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc có thuế suất 45%, được hướng dẫn trong Thông tư 195/2015 TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chẳng hạn 1 chiếc xe nhập khẩu có giá 220.000 USD, tương đương với giá chiếc Mercedes AMG G65 bán tại thị trường Mỹ, khi tính toán với thuế suất thuế nhập khẩu 66%, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành 60%, thì thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm so với cách tính cũ, chỉ ở mức 10.503 USD, tương đương với khoảng 236,3 triệu đồng, chứ không thể tăng tới 1,8 tỷ đồng được.
Đấy là với xe siêu sang, có giá rất cao, còn những xe có giá thấp chưa bằng 1 nửa như BMW 640i Gran Coupe thì mức tăng không thể tới 650 triệu đồng được.
Nhà phân phối chính thức xe BMW tại Việt Nam cho biết, đến nay vẫn chưa công bố giá bán xe năm 2016. Giá xe BMW công bố vừa qua thuộc về các cửa hàng kinh doanh không chính hãng.
Nguồn tin từ Công ty Mercedes- Benz Việt Nam cho biết, mục đích nâng giá mẫu AMG G65 lên cao là để làm thương hiệu, trên thực tế, đến nay vẫn chưa bán được chiếc nào tại Việt Nam.
Việc tăng giá xe của Mercedes- Benz Việt Nam không hoàn toàn do thuế tăng. Đó có thể là lý do giải thích vì sao ngay cả những xe thuộc Model E, được lắp ráp trong nước, cũng bị "đẩy" giá tăng từ 60-80 triệu đồng trong đợt này.
Lexus Việt Nam cũng cho biết, vẫn giữ giá bán xe như cũ đến hết tháng 1/2016, chỉ công bố giá mới vào đầu tháng 2 tới. Khách hàng nhận xe giao trong tháng 1/2016 vẫn theo đúng giá ghi trong hợp đồng. Nguồn tin này còn tiết lộ, mức tăng giá xe Lexus thời gian tới chỉ từ 2-5%.
Khi khách hàng hỏi nguyên nhân vì sao xe tăng giá quá cao, dân kinh doanh thường chỉ nói đến yếu tố làm chi phí tăng, mà không đề cập đến những yếu tố làm chi phí giảm. Đầu năm 2016, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã giảm. Không tính tới khu vực Asean, với các thị trường khác thuế cũng giảm.
Biểu thuế xuất khẩu - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, từ 1/1/2016 được quy định tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hàng ngày 16/11/2015, có 8 dòng thuế ô tô được cắt giảm từ 2% đến 4%, theo lộ trình cam kết WTO.
Trong đó có xe dung tích xi lanh trên 2.500 cc (mã 8703.23.94), xe bốn bánh chủ động (mã 8703.24.51), xe dung tích xi lanh trên 3.000 cc, SUV và xe thể thao...
Với thuế suất thuế nhập khẩu giảm, chắc chắn chi phí nhập khẩu những mẫu xe này cũng giảm.
Tại 1 Salon ô tô trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), ông chủ cửa hàng cho biết, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới với ô tô, buộc nhà nhập khẩu phải tính thêm 10% chi phí marketing, lợi nhuận vào giá vốn, nên làm giá xe tăng. Nhưng trên thực tế, mức quy định này tại Nghị định 108/2015 NĐ-CP chỉ có 5%. Khi DN nói vậy, cũng có nghĩa là họ đã tính gấp 2 lần so với quy định vào giá vốn.
Còn về tỷ giá, hiện chỉ có USD với VND là tăng, trong khi đồng Euro khá ổn định, nên nhập khẩu xe từ khu vực Euro không bị ảnh hưởng. Có điều gì đó không ổn đang diễn ra trên thị trường ô tô, khi nhiều mẫu xe bị đẩy giá lên quá cao, ngược lại các chi phí tăng không cao như vậy.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]