Nỗi lo tăng giá
Càng gần với thời điểm năm 2018, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) càng sát sườn hơn, qua đó ngày càng hiện rõ viễn cảnh giảm giá bán lẻ ôtô.
Nhưng trái với niềm hy vọng đó, ngay từ đầu năm, người tiêu dùng đã bắt đầu phải làm quen với nỗi lo tăng giá do những điều chỉnh liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đầu năm 2014, Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị thay đổi cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Kiến nghị này của VAMA được đưa ra nhằm tạo sự cân bằng với cách tính giá tính thuế của ôtô nhập khẩu (CBU).
Tuy nhiên, thay vì đổi cách tính giá tính thuế đối với xe CKD, Chính phủ lại điều chỉnh cách tính thuế đối với xe CBU. Cụ thể, tại Nghị định 108 được Chính phủ ban hành ngày 28/10/2015, cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô CBU sẽ chuyển từ cách tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu như trước đây thành giá bán buôn của nhà nhập khẩu.
Đáng chú ý là cũng nhằm mục tiêu tạo sự cân bằng giữa xe CKD với xe CBU, nhưng cách điều chỉnh này lại cùng lúc khiến cho cả các nhà sản xuất trong nước lẫn các nhà nhập khẩu rơi vào tình thế khó khăn.
Bởi lẽ, bên cạnh đối tượng chịu tác động mạnh nhất là các nhà nhập khẩu chính hãng thì bản thân các nhà sản xuất trong nước cũng chịu không ít bất lợi khi số lượng xe CBU chiếm tỷ lệ đáng kể trong danh mục sản phẩm và đang ngày càng tăng lên.
Cũng liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo kế hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII diễn ra từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11/2015.
Theo nội dung dự luật, ngoài một số loại xe có dung tích xi-lanh động cơ nhỏ hưởng mức giảm nhẹ thì mức thuế suất đối với đa số các loại xe khác có dung tích xi-lanh động cơ từ 2.0 lít trở lên sẽ tăng từ giữa năm 2016.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tính toán giá bán lẻ ôtô sau khi các chính sách liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt được thi hành sẽ tăng lên đáng kể, từ đó gây ra không ít những khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả khối sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu chính hãng.
“Quẳng gánh lo” để bùng nổ
Nhìn lại thị trường cả năm 2015 có thể thấy khá rõ là dường như chính những nỗi lo về chính sách đã góp phần giúp thị trường ôtô đang trong quá trình hồi phục trở lên bùng nổ.
Trên thực tế, sức mua trên thị trường ôtô Việt Nam đã bắt đầu ấm lên từ năm 2014. Tiếp đà hồi phục, thị trường giai đoạn đầu năm 2015 vẫn duy trì tỷ lệ tăng trưởng 2 con số. Thế nhưng, tỷ lệ tăng trưởng ngày càng cao, nhất là đối với thị trường sẽ chịu điều chỉnh mạnh nhất từ chính sách là xe CBU, kể từ khi những kế hoạch điều chỉnh chính sách thuế được công khai.
Càng về giai đoạn cuối năm sức mua ôtô càng bùng nổ mạnh mẽ. Theo báo cáo của VAMA, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường tháng 9/2015 đạt 21.366 chiếc, tăng 17% so với tháng liền trước và tăng 32% so với cùng kỳ 2014.
Sang tháng 10, tổng sức mua ôtô tăng lên 22.368 chiếc và đến tháng 11, con số này đã vọt lên hẳn 29.706 chiếc, tăng 33% so với tháng 10 và tăng đến 86% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhờ sự bùng nổ của giai đoạn cuối năm, tính cộng dồn giai đoạn 11 tháng, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường năm 2015 đã đạt con số kỷ lục 215.517 chiếc tăng đến 57% so với cùng kỳ.
Cũng bởi vậy, đã có nhiều dự báo rằng tổng sức mua ôtô của cả năm 2015 không loại trừ khả năng sẽ cán mốc kỷ lục 250.000 chiếc. Tại thời điểm đăng tải bài viết, VAMA chưa có thống kê đầy đủ về sản lượng bán hàng của tháng 12/2015.
Ngoài nguyên nhân về nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là trước Tết nguyên đán, thì thực tế cũng cho thấy cú tăng tốc của thị trường cũng có sự đóng góp không nhỏ từ tâm lý mua chạy thuế của người tiêu dùng.
Đáng chú ý là tại thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 108 (ngày 28/10/2015), Quốc hội khóa XIII vẫn chưa có quyết định hoãn thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, nếu theo lộ trình của dự luật và quy định tại Nghị định 108, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiều loại xe sẽ tăng lên và cùng với đó, cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe CBU cũng có hiệu lực kể từ tháng 1/2016.
Dẫu sao thì sau quyết định hoãn thông qua luật mới của Quốc hội, các điều chỉnh liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt chưa có hiệu lực ngay từ đầu năm 2015. Theo đó, người tiêu dùng vẫn còn quãng thời gian ít nhất 3 tháng, tức là đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra vào tháng 3/2015, để biết được những thay đổi cụ thể.
Nếu luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và sau đó Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 108, thị trường cũng sẽ có thêm khoảng thời gian 3 tháng nữa, tức trước ngày 1/7/2016, mới chính thức có những thay đổi.
Điều này đồng nghĩa thị trường ôtô sẽ còn quãng thời gian không quá ngắn để doanh nghiệp tiếp tục kích cầu và người tiêu dùng tranh thủ mua xe trước khi giá bán tăng lên do tác động của chính sách. Và như vậy, cũng trong quãng thời gian này, sức mua sẽ được dự báo sẽ còn tăng lên hoặc ít nhất chưa thể sụt giảm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]