Trái điều non bị khô héo. (Ảnh minh họa. K GửiH/TTXVN)
Xã Mê Pu, huyện Đức Linh hiện có gần 1.800ha điều nhưng chỉ khoảng 20% diện tích có trái, phần lớn diện tích đều bị hư hại. Nhiều vườn điều hoa bị khô không đậu hạt, hạt non bị cháy đen và rụng nhiều.
Theo nông dân trồng điều tại đây, nguyên nhân hoa điều bị khô, bị bọ xít tấn công là vì tác hại của các trận mưa trái mùa trước và sau Tết Nguyên đán. Dù người dân đã tăng cường phun xịt thuốc đậu trái, đầu tư phân bón chăm sóc nhưng vẫn không đem lại hiệu quả.
Ông Trần Phước (thôn 4, xã Mê Pu), người trồng điều lâu năm, cho biết cây điều là nguồn thu chính của gia đình từ bao năm nay. Gia đình ông hiện có 1,5ha đất rẫy trồng điều. Vào đầu vụ năm nay, điều đang ra hoa gặp đúng các đợt mưa trái mùa, sương muối nên khiến các chùm hoa bị hư hết, khô héo không đậu được trái, còn những trái non đậu được thì cũng rụng dần. Không chỉ một số cây mà cả vườn của gia đình đều bị hiện tượng như trên. Nếu như mọi năm chỉ cần phun xịt thuốc hai lần thì năm nay, ông phải phun tới năm lần nhưng điều khô vẫn khô. Đầu tư chi phí cao nhưng mùa điều năm nay thất thu 90%, gia đình không biết lấy gì để đắp vào khoản chi phí này.
Tương tự, ông Đinh Hữu Tâm (thôn 4, xã Mê Pu) có 1ha điều. Với diện tích này, năm trước, gia đình ông thu được khoảng 3 tấn hạt với giá điều 25.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình lãi được vài chục triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, giá hạt điều cao nhưng sản lượng bị sụt giảm quá nhiều mà chất lượng hạt điều thu được cũng không cao.
Theo ông Tâm, thời tiết bất thường, nhiều cơn mưa lớn bất ngờ không chỉ làm hoa không đậu trái mà còn là tác nhân khiến sâu bệnh phát triển gây hại trên cây điều.
Đức Linh là nơi có diện tích điều nhiều nhất cả tỉnh. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh, huyện hiện có hơn 10.000ha điều, tập trung tại các xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đức Hạnh, Tân Hà… Đến nay, các vườn điều bông hư hại từ 80-90%. Hầu hết các vườn điều bị hư hại đều có chung tình trạng là hoa khô héo không đậu trái, trái non rụng cành.
Theo nhận định ban đầu, bên cạnh yếu tố thời tiết bất lợi do lúc cây điều ra hoa gặp phải mưa lớn và sương muối thì việc cây điều cho năng suất thấp một phần là do người nông dân không chú trọng đến việc phòng trừ sâu bệnh, qua thời gian cây già cỗi, năng suất kém đi. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người nông dân nên chú ý chăm sóc cây điều đúng kỹ thuật, chủ động phòng tránh bệnh để tăng năng suất cho vụ sau.
Không chỉ riêng Đức Linh, người trồng điều ở các huyện Tánh Linh, Hàm Tân… cũng rơi vào tình trạng “được giá mất mùa." Hầu hết diện tích điều trên địa bàn đều trong tình trạng không có trái hoặc có trái rất ít, năng suất giảm nhiều so với những năm trước.
Bình Thuận hiện có khoảng 18.000ha điều, chủ yếu trồng tập trung ở ba huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Tân. Điều được xác định là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, không chỉ là nguồn thực phẩm cung cấp cho con người mà còn là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
Năm 2016, cây điều được Bình Thuận chọn là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu hạt điều, trong thời gian tới, tỉnh chủ trương sẽ trồng tái canh và cải tạo giống 12.500ha điều; đồng thời triển khai hỗ trợ từ 50-80% giá cây giống cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã miền núi khó khăn. Bên cạnh đó, hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và kinh phí chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]