Manh nha từ những năm 80 của thế kỷ trước, nghề làm mỳ gạo ở Châu Sơn (thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang) phát triển mạnh từ những năm 1990. Hiện, Châu Sơn có gần 60 hộ (trên tổng số gần 100 hộ) chuyên nghề chế biến mỳ gạo. Trung bình, mỗi ngày toàn thôn sản xuất 10 tấn mỳ gạo cung cấp ra thị trường.
Mỳ được phơi khắp các khoảng sân rộng ở làng Châu Sơn. Hong khô tự nhiên là một phần bí quyết tạo sợi mỳ dẻo dai, ngon hơn của người làm mỳ Châu Sơn.
Một ngày lao động ở làng mỳ bắt đầu rất sớm từ 5giờ sáng và kết thúc vào lúc 7 giờ tối. Người làng đã sử dụng máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Từ mờ sáng, đồng loạt các lò làm mỳ trong làng đều sáng điện. Tiếng máy quấy bột, máy tráng mỳ bắt đầu chạy ro ro, xình xịch tạo nên âm thanh sôi động.
Anh Nguyễn Văn Quế, chủ cơ sở sản xuất mỳ gạo Quế Hằng (thôn Châu Sơn) cho biết, trung bình mỗi ngày, gia đình anh Quế sản xuất 1,8 tạ mỳ thành phẩm (từ 2 tạ gạo). “Mỳ Châu Sơn được chế biến qua nhiều công đoạn công phu. Nguyên liệu phải là gạo ngon nguyên chất, thường là gạo Khang dân, nguồn nước tinh khiết”.
Gạo để làm mỳ phải được lựa chọn cẩn thận, phải là gạo Khang dân 18 trắng, sạch, mẩy.
Từ những hạt gạo ngon, trắng, căng mẩy, người làng ngâm 2-3h, trong nguồn nước tinh khiết lấy trên núi. Sau đó, gạo ngâm được đưa vào máy nghiền tạo bột nước. Kế đến tiến hành lọc, ép khô. Tiếp theo, sử dụng máy bón bột đưa vào máy tráng, đùn mỳ. Cuối cùng, cắt mỳ đem phơi khô và đóng gói thành phẩm. Công đoạn nào cũng được chú trọng sạch sẽ.
Vợ chồng anh Quế sản xuất mỳ gạo
Anh Quế tâm sự, cùng mỳ Chũ, mỳ gạo Châu Sơn ngon có tiếng. Nếu dùng nấu phở, ngon, hấp dẫn chẳng kém phở ngon các nơi. Với giá bán lẻ 25-30 nghìn đồng/ kg, nghề làm mỳ đem lại cho những hộ dân như gia đình anh 200-300 triệu đồng/ năm. Vào mỗi dịp cận Tết, lượng mỳ tiêu thụ tăng gấp đôi, vợ chồng anh Quế phải dậy từ 3h sáng làm việc cật lực tới tối mịt.
Sản xuất bằng máy móc hiện đại, mỳ Châu Sơn vẫn giữ được đặc trưng dẻo, ngon khác biệt.
Chị Hằng (vợ anh Quế) đang phơi mỳ - thứ đặc sản dùng nấu phở ngon chẳng kém phở ngon Hà Nội, Nam Định...
Không những giúp đời sống người dân khấm khá, nghề làm mỳ ở Châu Sơn còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động vùng lân cận. Mỗi lò sản xuất thuê từ 3-5 lao động, trả công 4-5 triệu đồng/ người/ tháng.
Công nhân xưởng sản xuất mỳ Quế Hằng đóng bao sản phẩm. Cùng với mỳ Chũ, mỳ sạch Châu Sơn nức danh đất Bắc Giang. Thương buôn nhiều tỉnh thành miền Bắc ưa chuộng phân phối...
Tháng 6.2016, mỳ gạo Châu Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) công nhận nhãn hiệu. Cùng việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, các hộ dân nơi đây đều xây hầm biogas xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]