Theo dự thảo, mục tiêu của Việt Nam là có ít nhất 5 công ty công nghệ đạt giá trị từ một tỷ USD (unicorn – kỳ lân) vào năm 2025, và tăng gấp đôi trong 5 năm tiếp theo. Tổng đầu tư xã hội cho R&D (nghiên cứu và phát triển) dự kiến đạt ít nhất 1,5% GDP đến năm 2025. Đến 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về số sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.
Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 5 công ty vào năm 2025 và ít nhất 10 công ty vào năm 2030 có xuất khẩu sang các nước G7 hàng hóa, dịch vụ có sử dụng các công nghệ của CMCN 4.0 hoặc các công nghệ thế hệ tiếp theo, ví dụ như 5G, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu.
Cũng theo chiến lược này, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0 đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và tăng gấp đôi vào năm 2030. Trong các ngành ưu tiên, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0 đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và ít nhất 50% vào năm 2030.
Để thực hiện thành công chiến lược, dự thảo đưa ra 2 phương án xây dựng bộ máy chuyên trách. Thứ nhất là kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi tên thành "Ban chỉ đạo quốc gia về Tăng trưởng và CMCN 4.0". Thứ 2 là lập Ủy ban quốc gia về CMCN 4.0.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Ảnh: iStock.
Việt Nam được đánh giá có mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 khá thấp. Theo Báo cáo Sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018 của WEF, Việt Nam được xếp vào nhóm Non trẻ (Nascent), xếp ở vị trí 53 về Động lực sản xuất và vị trí 48 về Cấu trúc sản xuất.
Về thể chế kinh tế phục vụ việc tham gia CMCN 4.0, chất lượng thể chế của Việt Nam được đánh giá chưa cao. Việt Nam hiện đang xếp vị trí 94/140 nền kinh tế về Chỉ số Thể chế trong bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF (năm 2018).
Về hạ tầng công nghệ, nền tảng công nghệ 4G phát triển khá tốt với tỷ lệ thuê bao điện thoại di động ở mức 139 thuê bao/100 dân, cao hơn nhiều trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, được đào tạo khá tốt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin – nền tảng của CMCN 4.0.
Lực lượng lao động này được nhiều công ty công nghệ trên thế giới đánh giá cao, là yếu tố quan trọng để nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển ra thế giới và nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư, thành lập các cơ sở R&D ở Việt Nam. Tuy nhiên, quốc gia còn thiếu các kỹ sư công nghệ, nhất là ở kỹ sư có trình độ cao và năng lực quản lý. Trình độ, kỹ năng của các kỹ sư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các công ty công nghệ hiện nay và trong tương lai.
Những năm gần đây, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam có bước phát triển khá mạnh với sự tham gia của nhiều vườn ươm khởi nghiệp. Một số công ty khởi nghiệp cũng chứng tỏ khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được chấp nhận trên toàn cầu, sử dụng dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ 4.0 khác để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cho khách hàng.
Hiện Việt Nam có một nhóm các công ty công nghệ khá lớn, chủ yếu là trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Nhiều công ty hàng đầu đã chuyển hướng sang các công nghệ của CMCN 4.0, chủ yếu là điện toán đám mây và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, doanh thu chính của ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) vẫn chủ yếu đến từ hoạt động gia công phần mềm. Trong khi đó, các công ty rất thận trọng cho việc đầu tư vào công nghệ của CMCN 4.0 và áp dụng các ý tưởng đột phá.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]