Trung Quốc là “cái nôi” của những tập đoàn điện tử khổng lồ như Alibaba, tuy nhiên, Indonesia mới là nước có tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử di động cao nhất thế giới. Trong khi đó, Thái Lan dẫn đầu về tỷ lệ thâm nhập ngân hàng di động, Singapore giữ vị trí số 1 trong mảng dịch vụ gọi xe. Đối với hai lĩnh vực này, Trung Quốc đều không vượt quá top 5.
Những thông tin này giải thích tại sao các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á thu hút rất nhiều vốn đầu tư. Điều đó thúc đẩy khu vực này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới, trong khi Trung Quốc đang “vật lộn” với suy thoái.
Theo báo cáo kỹ thuật số toàn cầu năm 2019 từ Hootsuite và We Are Social, 74% người dùng internet của Thái Lan truy cập các dịch vụ ngân hàng thông qua các thiết bị di động, cao hơn mức 61% tại Trung Quốc và mức 41% trên toàn cầu.
Chuyển khoản ngân hàng là cách phổ biến để thực hiện thanh toán thương mại và thanh toán cá nhân ở các nước Đông Nam Á. Phần lớn người dân khu vực không có thẻ tín dụng hoặc sổ séc. Môi trường tài chính này tạo điều kiện cho các ngân hàng di dộng phát triển.
Bản thân các ngân hàng cũng đang phát triển lĩnh vực này. Tháng 3/2018, 4 ngân hàng lớn của Thái Lan, bao gồm Bangkok Bank, Kasikornbank, Siam Commercial Bank và Krung Thai Bank giảm phí cho các giao dịch qua internet và di động với những người có tài khoản tại mọi ngân hàng Thái Lan. Một số ngân hàng nhỏ khác ngay lập tức học tập phương thức này. Những động thái này của ngành ngân hàng nhằm đối phó với sự cạnh tranh từ Line Pay và các ứng dụng tương tự.
Xu hướng này phù hợp với kế hoạch của chính phủ Thái Lan nhằm giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào tiền mặt. Chính phủ cũng mong đợi những lợi ích đa ngành từ thanh toán trực tuyến. Các bản ghi giao dịch cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng đăng ký vay, đồng thời, khiến cho việc hối lộ, tham nhũng, cũng như tệ nạn ma túy, buôn người trở nên khó khăn hơn.
Tỷ lệ người dùng internet truy cập các dịch vụ ngân hàng bằng điện thoại di động tại các nước. Ảnh: Nikkei.
Indonesia là quê hương của 2 nền tảng thương mại điện tử lớn, là Tokopedia và Bukalapak. Indonesia cũng đứng đầu thế giới về lượng truy cập thương mại điện tử di động. Trong tháng 1, 76% người dùng internet sử dụng thiết bị di động để mua sắm hàng hóa, vượt qua mức 55% của các quốc gia khác trên thế giới và mức 74% của Trung Quốc.
Dân số Indonesia đóng vai trò quan trọng trong thành tựu này. Khoảng 60% trong số 260 triệu người dân Indonesia dưới 40 tuổi. Tỷ lệ thâm nhập di động ở mức 70% và lượng truy cập internet bằng điện thoại thông minh ở mức trung bình.
Thương mại điện tử đặc biệt phổ biến tại các thành phố, nơi mua sắm trực tuyến là hình thức tiết kiệm thời gian và tránh tắc nghẽn giao thông.
Ứng dụng gọi xe Go-Jek có trụ sở tại Indonesia là một trong những nhân tố tác động đến xu hướng mua sắm trực tuyến. Dịch vụ giao hàng Go-Food cho phép người dùng đặt bữa từ các nhà hàng nổi tiếng đến các cửa hàng nhỏ, các quán ăn gia đình. Go-Jek cho biết dịch vụ này vận chuyển tới 2 tỷ USD giá trị giao dịch hàng năm, “biến Go-Food trở thành dịch vụ giao thức ăn lớn nhất Đông Nam Á”.
Tỷ lệ người dùng internet thực hiện mua sắm trực tuyến bằng điện thoại di động trong tháng 1/2019 tại các nước. Ảnh: Nikkei.
Đông Nam Á còn thống trị ứng dụng đặt xe. Singapore giữ vị trí số 1, đồng thời là nơi phát triển ứng dụng Grab. Có tới 52% người dùng internet tại Singapore gọi xe ít nhất 1 lần 1 tháng. Indonesia đứng thứ 2 với 51%, Malaysia đứng thứ 3 với 48%. Những con số này trên thế giới và ở Trung Quốc lần lượt là 30% và 35%.
Singapore với lợi thế diện tích nhỏ, xã hội được số hóa và ít rào cản pháp lý nhập cảnh hỗ trợ các doanh nghiệp đặt xe phát triển. Grab và Uber xâm nhập thị trường Singapore vào năm 2013. Tuy nhiên, năm 2018, Grab đã mua lại các hoạt độngcủa Uber tại Đông Nam Á.
Hiện nay, dịch vụ đặt xe đã trở nên phổ biến trên toàn khu vực Đông Nam Á. Hình ảnh về những tài xế taxi truyền thống phớt lờ đồng hồ tính tiền, mặc cả tiền phí dần biến mất.
Tỷ lệ người dùng internet sử dụng ứng dụng đặt xe ít nhất 1 lần 1 tháng tại các quốc gia. Ảnh: Nikkei.
Báo cáo kỹ thuật số toàn cầu năm 2019 cho thấy người Đông Nam Á dành nhiều thời gian dùng internet điện thoại hơn người ở các khu vực khác. Người Thái đứng vị trí số 1 với 5 giờ 13 phút/ngày/người. Philippines đứng vị trí thứ 2 với 4 giờ 58 phút/ngày/người. Indonesia đứng thứ 4 với 4 giờ 35 phút/ngày/người.
Với tiềm năng phát triển như vậy, các nhà đầu tư rất lạc quan khi đầu tư vào các dự án công nghệ tại Đông Nam Á. Grab và Go-Jek trở thành những công ty khởi nghiệp lớn nhất tại khu vực này, với mức định giá Grab lên tới 10 tỷ USD, và Go-Jek là gần 10 tỷ USD.
5 năm trước, tỷ lệ thâm nhập internet của Đông Nam Á là 25%. Con số hiện tại là 63% - 415 triệu người Đông Nam Á truy cập internet, tăng từ mức 380 triệu trong năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với mức hơn 90% tại Mỹ và châu Âu.
Đông Nam Á có nhiều cơ hội phát triển các ứng dụng di động, từ đó, thu hút lượng lớn vốn đầu tư toàn cầu. Năm 2018, Google và Temasek ước tính quy mô nền kinh tế internet của khu vực này sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2025, lên 240 tỷ USD so với mức 72 tỷ USD vào năm 2018, tiên phòng là các dịch vụ internet di động.
“Đối với hầu hết người Đông Nam Á, điện thoại thông minh đại diện cho cánh cổng tìm kiếm thông tin, phương tiên truyền thông xã hội, các ứng dụng nhắn tin, âm nhạc và video”, theo báo cáo của Google và Temasek.
“Điện thoại thông minh cũng cho phép truy cập bản đồ, tin tức, dịch vụ vận chuyển, các ứng dụng tăng năng suất cá nhân như e-mail, bảng tính. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống của người dân”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]