Các vấn đề tài chính của Italy đang ngày một tồi tệ hơn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Italy thời hạn 10 năm, từng lên mức 3% khi mà Tổng thống Sergio Mattarella tạm thời chặn phong trào 5 Star Movement và The League thành lập chính phủ, nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn nữa và tiềm ẩn khả năng đẩy Italy cũng như khu vực đồng tiền chung châu Âu vào một cuộc khủng hoảng mất kiểm soát.
Italy không chỉ đơn giản là một đất nước có quá nhiều vấn đề mà Italy lại còn có quy mô lớn. Ngành ngân hàng đầy rắc rối của Italy lớn thứ 3 tại châu Âu, sau Pháp và Đức. Nợ công của chính phủ Italy hiện ở mức 2,5 nghìn tỷ euro, tương đương 2,95 nghìn tỷ USD.
Nợ công của Italy như vậy tương đương với tổng nợ công của cả Pháp và Đức, cao hơn cả tổng nợ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland – 4 nước từng phải nhận giải cứu. Một cuộc khủng hoảng tài chính tại Italy sẽ nhanh chóng làm vỡ các hàng rào phòng thủ mà giới chức châu Âu từng xây dựng.
Lẽ ra mọi chuyện không nên diễn ra theo hướng này. Vào thập niên 1990, nhiều nhà quan sát hiểu rằng Italy không thuộc về khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Italy không thể từ bỏ chính sách tiền tệ và đồng tiền riêng - đồng lira.
Trong ba thập kỷ, từ năm 1970 đến năm 1999, đồng lira đã mất hơn 80% giá trị so với đồng mark Đức. Khi sang thế kỷ mới, Italy bị vượt mặt bởi nhiều nền kinh tế Đông Âu mới trỗi đậy và tụt lại sâu so với Trung Quốc. Khi không thể nâng được năng suất lao động, Italy cần hạ giá thêm đồng lira.
Tuy nhiên, giới chức kinh tế và tài chính của Italy lại tuyệt vọng muốn tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu. Họ khăng khăng rằng khi không có khả năng hạ giá đồng lira, giới chức lãnh đạo Italy sẽ phải đưa ra chính sách tài khóa hợp lý để đảm bảo tương lai tốt hơn cho người Italy.
Học giả châu Âu, ông Kenneth Dyson và ông Kevin Featherstone khẳng định ông Mario Draghi, hiện đang giữ chức chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, tin rằng việc sử dụng đồng euro sẽ khiến cho Italy phải thực thi những kỷ luật mà chính phủ Italy cần đến.
Sự ngạo mạn đã chiến thắng, Italy gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu ngay khi khối này chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/1/1999. Thế nhưng chính phủ Italy vốn bảo thủ quá thiếu sự kiên nhẫn và cứng rắn để đương đầu với những vấn đề thâm căn cố đế của đất nước.
Kinh tế Italy rơi vào tình trạng năng suất lao động không tăng trưởng, và dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt từ giữa năm 2003, tỷ lệ thất nghiệp từ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu ở mức gần 7%. Các ngân hàng Italy kiếm được lợi nhuận rất ít, nợ công gần 100% GDP.
Khủng hoảng toàn cầu từ năm 2007 đến năm 2009 và sau đó đến khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu từ năm 2011 đến năm 2013 đã bộc lộ nhiều yếu điểm từ trước khi gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu của Italy. Yếu điểm căn bản của đồng euro bộc lộ rõ ràng: một chính sách tiền tệ không thể áp dụng chung cho cả kinh tế Đức vốn mạnh và một nền kinh tế Italy yếu kém.
Và mọi chuyện tồi tệ hơn khi mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng quan điểm chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn cả Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Đến giữa năm 2011, trong khi giới chức hàng loạt nước thuộc khu vực đồng tiền chung yêu cầu thắt chặt chính sách tiền tệ, Italy lại quá cần chính sách tiền tệ nới lỏng và hạ giá đồng euro.
Ngày 7/7/2011, ECB vô cùng sai lầm khi nâng lãi suất, thị trường tài chính nhiều nước hoảng loạn. Từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2012, khắp khu vực đồng tiền chung châu Âu đối diện với tình trạng tài chính rối loạn, đặc biệt tại Tây Ban Nha và Italy.
Cuối cùng, Italy chưa bao giờ có thể phục hồi từ bi kịch đó. Tháng 7/2012, chủ tịch ECB đã cố gắng hàn gắn nỗi đau bằng cách hứa rằng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để cứu được các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu.
ECB triển khai chương trình OMT, trong chương trình đó ECB sẽ mua trái phiếu của một nước thành viên không hạn chế. Thế nhưng dù thị trường bình ổn, lãi suất tại Italy vẫn quá cao, kết hợp với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, kinh tế Italy chìm trong suy thoái.
Giờ đây, kinh tế Italy đang vô cùng khó khăn. Khi mà lạm phát diễn biến quanh mức 0,6%, doanh nghiệp và người tiêu dùng Italy đối diện với vấn đề lãi suất thực cao (tỷ lệ lãi suất sau điều chỉnh lạm phát) trên 2%.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng Italy không thể chịu đựng được mức lãi suất cao đến như vậy. GDP Italy dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng chưa đầy 1% trong vòng từ 3 đến 5 năm tới. Nếu mà triển vọng thương mại toàn cầu suy yếu, tăng trưởng GDP của Italy có thể sụt giảm và rớt vào suy thooái. Nếu như vậy, những bên vay tiền sẽ khó trả lại được tiền đã vay từ các ngân hàng Italy. Nguồn thu thuế của chính phủ sụt giảm, vì vậy sẽ còn khó trả nợ hơn nữa.
Nếu Italy rơi vào một cuộc khủng hoảng khác, ECB, không giống như tháng 7/2012, sẽ không còn có thể cứu được Italy. Về nguyên tắc, ECB có thể mua không hạn chế các trái phiếu của Italy, nhờ vậy sẽ giảm được lãi suất và giúp chấm dứt khủng hoảng. Thế nhưng giờ đây khi đã nắm giữ đến 1/4 trái phiếu chính phủ Italy, ECB đối diện với rủi ro thua lỗ lớn nếu Italy vỡ nợ.