Trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, tên tuổi của Bill Gross - nhà quản lý tài chính, đầu tư, người đồng sáng lập nên một trong những quỹ trái phiếu hàng đầu thế giới Pimco – luôn gắn liền với biệt danh “vua trái phiếu” vì đã làm được một việc tưởng chừng như là không thể.
Trong khoảng thời gian từ thời điểm 1980 tới những năm 2000, Bill Gross đạt được lợi nhuận hàng năm lên tới gần hay thậm chí đôi lúc đã vượt qua mức hai con số, tức là tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) vào các loại trái phiếu đạt trên mức 10%. Thông thường chỉ có thể thấy mức này từ việc đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn so với trái phiếu - loại tài sản mà Bill Gross và Pimco đã tập trung nhắm vào trong nhiều năm qua.
Xem lại đơn kiện nhằm vào Pimco mà Bill Gross đã gửi lên tòa án tối cao bang California hồi tháng 10 thì thấy rằng “vua trái phiếu” đã chỉ trích và cáo buộc các “cựu đồng nghiệp” của mình ở Pimco. Như trong bài viết trước đã nói kỹ về vụ này, Bill Gross cho rằng các giám đốc điều hành đã âm mưu lật đổ ông với mục đích định hướng lại các sản phẩm, chiến lược đầu tư cốt lõi của Pimco: chuyển từ tập trung chủ yếu vào các loại trái phiếu sang các tài sản đầu tư có rủi ro cao hơn và để hưởng lợi nhiều hơn từ quỹ thưởng hàng năm của Pimco.
Tuy vậy, đầu tư vào các sản phẩm mang lại thu nhập cố định (Fixed-income security) có tính rủi ro thấp nhưng lại tạo ra được mức lợi nhuận cao tương đương như chứng khoán là kết quả của quá trình công phu vận dụng các công cụ tài chính khác để khuếch đại lợi nhuận. Để đạt được điều này, buộc phải sử dụng đòn bẩy tài chính, hoặc khai thác các loại chứng khoán phái sinh hoặc dùng nguồn vốn đi vay để đầu tư.
Đòn bẩy tài chính vốn được sử dụng chủ yếu bởi bên bán (thường là ngân hàng đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, trung gian tài chính..) mà đặc biệt là các ngân hàng đầu tư, thay vì bên mua (các công ty quản lý quỹ, quỹ phòng hộ, nhà đầu tư tổ chức..). Tuy nhiên, một báo cáo mới công bố từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã nhấn mạnh tới mức độ đòn bẩy tài chính tại các quỹ đầu tư. Trong báo cáo không nêu tên cụ thể các quỹ, nhưng các kết luận này vẫn gây sửng sốt.
Vấn đề mà Bill Gross đưa ra trong đơn kiện kết hợp với báo cáo của BIS cho thấy rằng câu chuyện xảy ra tại Pimco không chỉ là những rắc rối, tranh chấp thông thường xung quanh các khoản tiền thưởng hay trái phiếu, mà đó chính là câu chuyện về những thay đổi bất thường đã diễn ra trên các thị trường trái phiếu trong nhiều năm nay kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra.
Điểm chính của của câu chuyện đó là sự co quắp lại của một hệ thống ngân hàng đã từng bị tổn thương sau những quyết định thiếu thận trọng trước khủng hoảng và sự nổi lên của các quỹ đầu tư trái phiếu sau khủng hoảng. Các quỹ này ngày càng trở nên tự tin hơn. Sự tự tin này kéo theo kích cỡ đòn bẩy tài chính cũng ngày càng tăng lên.
Đòn bẩy tài chính trong hệ thống ngân hàng là một trong các nguyên nhân trọng yếu gây nên của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Kể từ đó, các quỹ đầu tư với vai trò là “bên mua” đã nhanh chóng gia tăng sự hiện diện, tầm ảnh hưởng của mình trong nền tài chính toàn cầu khi họ mua vào các tài sản từ các ngân hàng đang cố gắng cân đối lại sức khỏe tài chính của mình sau khủng hoảng.
Từ năm 2009, tổng giá trị tài sản theo giá thị trường (AUM) của các quỹ trái phiếu đã tăng mạnh, một phần là do kết quả của việc giá trái phiếu tăng lên nhờ tâm lý tìm kiếm các loại tài sản đầu tư an toàn của nhà đầu tư.
Khi đề cập tới vấn đề đòn bẩy tài chính, báo cáo của BIS nhấn mạnh rằng mức độ các khoản vay ngắn hạn được các quỹ dùng làm đòn bẩy tài chính thay đổi tương ứng theo quy mô của từng quỹ. Trên cơ sở đó, thì tỷ lệ đòn bẩy tài chính mà các quỹ trái phiếu sử dụng đã tăng đáng kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra. Mức đòn bẩy trung bình giảm từ mức 3% trên tổng tài sản của các quỹ vào năm 2006 xuống gần 0% vào năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2009, nó lại tăng trở lại mức 3% rồi chạm mức 6% trên tổng tài sản của các quỹ vào năm 2013. Đến năm 2014 chỉ số này lại giảm xuống.
Mặc dù các mức đòn bẩy này thay đổi tùy thuộc vào quy mô, kích cỡ của từng quỹ nhưng BIS cho rằng không thể xem nhẹ vấn đề này. BIS đã đặc biệt đề cập đến mức đòn bẩy tài chính của các quỹ đầu tư chủ yếu vào trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi, với tỷ lệ lên tới 30% tổng giá trị tài sản vào năm 2013.
Sự tự tin thái quá của các quỹ đầu tư vào các loại trái phiếu thị trường mới nổi gắn với một bức tranh tổng thể khác, đó là việc chính phủ và công ty đã và đang khai thác, tận dụng sự háo hức về triển vọng phát triển kinh tế của khu vực này. Họ tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ phát triển trị giá hàng nghìn tỷ USD từ các quỹ này.
Đòn bẩy trong hệ thống tài chính được sử dụng thông qua cả các khoản vay hoặc sử dụng các loại chứng khoán phái sinh, đã đóng một vai trò lớn vào sự sụp đổ của hàng loạt các tên tuổi ngân hàng lớn vào năm 2008. Ở thời điểm hiện tại, tuy những lo lắng về nguy cơ các quỹ trái phiếu có thể sụp đổ tương tự như trường hợp của các ngân hàng đầu tư trước đây có vẻ chưa thực sự đúng hay nguy cấp, nhưng giá các loại trái phiếu đang bị ảnh hưởng và qua đó tác động tới các bên tham gia vào thị trường nợ này.
Bill Gross đã lập luận trong đơn kiện của mình việc Pimco chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu thay vì trái phiếu là một mối nguy hiểm lớn, tuy nhiên theo báo cáo của BIS chỉ ra thì ngay cả một quỹ trái phiếu thuần khiết mà Bill Gross vận hành cũng không phải hoàn toàn là không có những mối nguy hiểm, rủi ro.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]