8/13 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng
Theo một báo cáo phát hành hồi đầu năm 2018 của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), thì chất lượng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã được cải thiện. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.
Cũng theo đánh giá của tổ chức này, thì quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Các TCTD hạn chế chuyển nợ sang VAMC, xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn.
Dù vậy, thống kê số liệu từ BCTC quý I/2018 của 13 ngân hàng lớn và trung bình của Việt Nam lại cho thấy nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2018, tổng nợ xấu của 13 ngân hàng ở mức 67,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.
Về giá trị tuyệt đối, 12/13 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong 3 tháng đầu năm. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng nên chỉ có 8/13 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ gia tăng.
Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 3 cũng tăng 9,2% so với đầu năm, lên mức 34,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 51% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2017 ở mức 50,5%.
Hiện VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm khảo sát, chiếm tới 4,15%/tổng cho vay, so với con số hồi đầu năm là 3,39%. Dù vậy, số nợ xấu này chủ yếu tập trung ở nhóm 3, tức nợ dưới tiêu chuẩn (chiếm 58,6% tổng nợ xấu) trong khi nợ có khả năng mất vốn chiếm 18%.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng có nợ xấu tăng khá mạnh trong quý I/2018 với mức tăng từ gần 2,6 nghìn tỷ lên hơn 3 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 18,9%. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng lên gần 1,7 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng hơn 9% so với đầu năm và chiếm 55,3% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 1,87%, so với mức 1,61% hồi đầu năm.
Trong khi đó, dù tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức khá cao nhưng ngân hàng Sacombank đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc xử lý nợ xấu trong kỳ. Theo đó, tính đến ngày 31/3/2018, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của ngân hàng đã lùi về mức 4,01%, từ mức 4,67% hồi đầu năm.
Được biết, 2018 là năm thứ hai Sacombank hoạt động theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng sau sáp nhập đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trọng tâm của Đề án là cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong vòng 10 năm Sacombank đề ra mục tiêu sẽ hoàn thành cơ bản trong vòng 5 năm.
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng, năm nay Sacombank đặt mục tiêu xử lý tối thiểu 15.000 tỷ đồng nợ xấu trong đề án tái cơ cấu, chia ra từng quý. Tập trung vào quý II giảm nợ xấu về 3,6%, quý III giảm về 3,3% và quý IV về dưới 3%.
Về con số tuyệt đối, BIDV hiện đang là nhà băng có số nợ xấu lớn nhất, với 14,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức gần 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm và chiếm 41,5% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn ở mức 1,62%, không đổi so với đầu năm.
VietinBank đang là ngân hàng có số nợ xấu lớn thứ hai trong nhóm khảo sát, lên tới gần 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với đầu năm. Một điều đáng chú ý, là nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng đã tăng tới 28%, lên gần 6,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 64,9% tổng nợ xấu, cao hơn cả nợ nhóm 5 của BIDV.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,14% lên hồi đầu năm lên 1,25% trên tổng dư nợ.
Lợi nhuận vẫn tăng bất chấp chi phí dự phòng phình to
Thống kê của BizLIVE cũng cho thấy, 7/13 ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng trong quý I/2018, với tổng mức trích lập của 13 ngân hàng đạt gần 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng tới 36,9% so với cùng kỳ năm 2017.
BIDV là một trong những ngân hàng mạnh tay tăng trích lập dự phòng nhất trong nhóm khảo sát khi dành tới hơn 6 nghìn tỷ đồng cho việc trích lập, tương đương gấp 2,56 lần cùng kỳ.
Khoản trích lập chiếm tới 70,7% tổng lợi nhuận thuần này của ngân hàng khiến cho BIDV chỉ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.485 tỷ đồng khi kết thúc quý I, tăng nhẹ 9,2% so với cùng kỳ.
VPBank cũng tăng trích lập tới 57%, lên 2.652 tỷ đồng, chiếm 50,3% lợi nhuận thuần.
Tại VietinBank con số này là 2.351 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và chiếm tới 43,7% lợi nhuận thuần.
Dù con số trích lập dự phòng vẫn chiếm một khoản tương đối lớn nhưng điều đáng mừng là tất cả các nhà băng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng từ vài chục đến vài trăm % so với cùng kỳ năm ngoái.
Với lợi thế về quy mô vốn cũng như tài sản, hai “ông lớn” ngân hàng có vốn Nhà nước là Vietcombank và VietinBank vẫn đang dẫn đầu hệ thống về mức lợi nhuận đạt được.
Trong đó, Vietcombank vẫn là ngân hàng đang giữ vị trí quán quân với việc đạt 4.359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2018, tăng trưởng tới 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành tới 33,5% kế hoạch lợi nhuận của năm (13.000 đồng).
Đứng thứ hai là VietinBank với mức lợi nhuận 3.027 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Riêng với trường hợp của BIDV, do mạnh tay trích lập dự phòng nên lợi nhuận của ngân hàng đã bị “hao hụt” khá lớn và bị 2 ngân hàng TMCP là VPBank và Techcombank “vượt mặt” với lợi nhuận tương ứng là 2.618 tỷ đồng và 2.568 tỷ đồng.
Một số ngân hàng TMCP khác cũng tỏ ra không mấy kém cạnh khi ghi nhận lên tới cả ngàn tỷ đồng chỉ trong quý đầu năm như ngân hàng MB (1.918 tỷ đồng, tăng 72,6% so với cùng kỳ) hay ACB (1.490 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 28,2% và 26,1% kế hoạch năm.
Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng, Eximbank và VIB là hai trong số các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất so với cùng kỳ. Cụ thể, kết thúc quý I/2018, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 560 tỷ đồng còn VIB đạt lợi nhuận 518 tỷ đồng, cùng gấp 3,3 lần so với con số đạt được trong quý I/2017.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]