Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu để mắt đến những nhân tài tốt nhất và sáng giá nhất của Trung Quốc tại Mỹ, tăng cường giám sát các nhà nghiên cứu có mối quan hệ với Bắc Kinh cũng như hạn chế cấp thị thực du học đối với sinh viên Trung Quốc.
Trong vài tuần gần đây, một số sinh viên mới tốt nghiệp và học giả của Trung Quốc tại Mỹ nhận định với Bloomberg News rằng họ nhận thấy môi trường nghiên cứu và việc làm của Mỹ ngày càng kém thân thiện. Ví dụ, ngày 16/5, Đại học Emory (bang Georgia) vừa sa thải 2 giáo sư người Mỹ gốc Hoa, trong khi Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 3/6 cũng phát đi cảnh báo về rủi ro học tập tại Mỹ vì tỷ lệ bị từ chối cấp thị thực tăng mạnh.
“Tôi rất lo lắng, thậm chí cảm thấy buồn vì xung đột (giữa Mỹ và Trung Quốc) không cần thiết này. Các quy định hạn chế đối với các học giả và sinh viên Trung Quốc là phi lý và đi ngược lại với các giá trị cốt lõi giúp Mỹ trở thành một đất nước vĩ đại”, ông Liu Yuanli, Hiệu trưởng trường Y tế cộng đồng thuộc Liên minh Đại học Y khoa Bắc Kinh, nói.
Liu Yuanli đang tham gia chương trình “Nghìn nhân tài” (Thousand Talents Program) của Trung Quốc được triển khai từ năm 2008 nhằm khuyến khích những công dân ưu tú nhất ở nước ngoài trở về giúp phát triển kinh tế quê nhà. Gần đây, Trung Quốc bớt coi trọng chương trình này trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về các hoạt động của chương trình.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu để mắt đến những nhân tài tốt nhất và sáng giá nhất của Trung Quốc tại Mỹ. Ảnh: Xinhua.
Những diễn biến này cho thấy xung đột thương mại Mỹ - Trung đang làm thay đổi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ chỗ phụ thuộc lẫn nhau chuyển sang nghi ngờ lẫn nhau. Kể từ khi đàm phán giữa hai bên sụp đổ, Mỹ tăng cường áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc cũng thiết lập một danh sách đen đối với các công ty nước ngoài “không đáng tin cậy”. Kết quả, cảnh báo kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái tràn ngập trên các thị trường.
Giáo dục từ lâu là một lĩnh vực hợp tác chặt chẽ giữa 2 nước. Lượng sinh viên Trung Quốc nộp đơn học vào các trường đại học của Mỹ tăng vọt, cho phép Trung Quốc tiếp cận các trung tâm nghiên cứu tốt nhất thế giới.
Năm 2018, Mỹ tiếp nhận hơn 360.000 sinh viên từ Trung Quốc, cao hơn bất cứ nước nào, theo một báo cáo gần đây của Viện Giáo dục quốc tế (Mỹ). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,6%, gần bằng một nửa của năm 2017. Sang đến 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc được chính phủ tài trợ sang Mỹ du học bị từ chối cấp thị thực tăng lên 13,5%, cao hơn nhiều so với mức 3,2% của cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ chính phủ.
Một số nghiên cứu sinh Trung Quốc ở Viện Công nghệ Massachusetts cho biết thủ tục gia hạn thị thực du học hằng năm của nghiên cứu sinh Trung Quốc trước đây chỉ mất 3 tuần thì nay kéo dài hàng tháng. Một trong số đó cho biết các nghiên cứu sinh có xu hướng về nước sau khi tốt nghiệp vì lo ngại tình trạng giám sát này có thể kéo dài nhiều năm.
“Các động thái của Mỹ khiến việc hợp tác và trao đổi giáo dục giữa Mỹ và Trung dần ‘nguội lạnh’. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ sửa sai càng sớm càng tốt, đồng thời có thái độ tích cực hơn cũng như làm nhiều điều có lợi cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi giáo dục song phương”, ông Xu Yongji, Phó giám đốc Phòng trao đổi và hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết.
Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ trích rằng những lời buộc tội của Mỹ liên quan tới các hoạt động gián điệp phi truyền thống đối với nước này là vô căn cứ. Dù không hạn chế đơn xin du học sang Mỹ, bộ vẫn cảnh báo các sinh viên Trung Quốc về rủi ro bị từ chối khi theo đuổi hệ thống giáo dục của Mỹ, một thông điệp cho thấy Bắc Kinh đã thay đổi thái độ.
“Những người Mỹ đang gây cản trở sinh viên và học giả Trung Quốc có một suy nghĩ khác: Họ sợ rằng người Trung Quốc sẽ làm chủ công nghệ tiên tiến và Trung Quốc sẽ thắng thế trong lĩnh vực này. Số lượng sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ giảm mạnh chắc chắn sẽ gây sốc cho toàn bộ hệ thống giáo dục Mỹ”, tờ People’s Daily của chính phủ Trung Quốc nhận định.
Tâm lý lo ngại ngày càng lớn ngay cả trong thời điểm Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2018. Dù truyền thông Trung Quốc cho biết ông Trump tái khẳng định mong muốn tiếp nhận thêm sinh viên Trung Quốc, Nhà Trắng lại không đề cập đến bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này.
Mỹ đặt ra chủ trương rà soát các thủ tục cấp thị thực và xem xét hạn chế sinh viên đến từ các quốc gia được chỉ định tới Mỹ học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Ảnh: Financial Times.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump đặt ra chủ trương rà soát các thủ tục cấp thị thực và xem xét hạn chế sinh viên đến từ các quốc gia được chỉ định tới Mỹ học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, nhằm đảm bảo rằng tài sản trí tuệ sẽ không bị chuyển giao sang các quốc gia đối thủ. Tháng 6/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ hạn chế cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc tới học ngành khoa học và kỹ thuật.
Những động thái này đã kích thích làn sóng sa thải học giả người Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ, như trường hợp của đại học Emory. Tháng 4, 3 nhà nghiên cứu khác cũng bị Trung tâm nghiên cứu ung thư M.D. Anderson của Đại học Texas sa thải.
Tuy nhiên, một số đại học đi ngược lại xu hướng như Đại học Yale. Chủ tịch Peter Salovey từng nhấn mạnh tinh thần kiên định trong cam kết hỗ trợ các tài năng nước ngoài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng lĩnh vực nhân sự và trao đổi văn hóa không nên bị chính trị hóa.
Việc “đóng băng” quy trình cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc có thể bảo vệ lĩnh vực nghiên cứu của Mỹ, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy các học giả Trung Quốc quay về nước. Đại học Tế Nam, một trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc, cam kết sẽ thu nhận Li Xiaojiang, một trong hai giáo sư người Mỹ gốc Hoa bị Đại học Emory sa thải.
“Tất nhiên, chúng tôi rất vui vì mời được họ về nước nếu họ là những người mà chúng ta cần”, ông Ren Zhengfei, nhà sáng lập của Huawei Technologies, trả lời Bloomberg.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhiều lần kêu gọi tinh thần sáng tạo bản địa trong các công nghệ cốt lõi. Đồng thời, Trung Quốc đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học. Mỹ xếp thứ 6 về Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu năm 2018, trong khi Trung Quốc xếp thứ 17.
“Không thể dựa vào Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo. Từ lâu, Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề này. Trung Quốc không có sự lựa chọn nào tốt hơn việc tự lực phát triển đội ngũ tài năng công nghệ”, ông Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung-Mỹ ở Trường nghiên cứu quốc tế Josef Korbel, Đại học Denver, bang Colorado, nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]