Khoảng 1/5 công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đang tính đến việc chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để ứng phó với căng thẳng thương mại, 30% công ty đang trì hoãn hoặc hủy các quyết định đầu tư, theo khảo sát với 239 công ty Mỹ trên thị trường Trung Quốc.
Theo Bloomberg, kết quả khảo sát cho thấy khoảng 40% công ty cho rằng việc Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc vào ngày 10/5/2019 sẽ có tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ, khoảng 30% công ty cho rằng việc Trung Quốc tăng thuế cũng sẽ có tác động tương tự.
Thông tin mới nhất cho thấy bằng chứng về tác động qua lại giữa hai bên, khoảng 35% các công ty cho biết chiến lược của họ sẽ là tái cơ cấu lại để tách ra phần phục vụ riêng cho thị trường Trung Quốc.
Cho đến nay, tác động của đối đầu thương mại chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, nhiều công ty chứng kiến tình trạng nhu cầu sụt giảm, chi phí tăng cao và lợi nhuận, doanh thu đi xuống, theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải.
Có nhiều lo ngại rằng các công ty Mỹ sẽ đối diện với biện pháp trả đũa phi thuế quan tại Trung Quốc, tuy nhiên 53% các công ty cho biết họ chưa hề vướng phải biện pháp nào kiểu như vậy trong vòng 10 tháng tính từ ngày 1/7/2018.
Các công ty Mỹ thiệt hại nhiều hơn từ chiến tranh thương mại so với những công ty đến từ Liên minh châu Âu (EU). Chỉ một vài công ty châu Âu đang cân nhắc chuyển chuỗi cung ứng đi.
Phòng Thương mại Mỹ cũng đề cập đến việc phía Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và bản quyền sở hữu trí tuệ bắt buộc cho các công ty Trung Quốc nhằm giành được thị phần. Trung Quốc đã bác bỏ quan điểm đó, tuy nhiên chính điều này được quan tâm rất nhiều trong các vòng đàm phán.
Báo cáo về các doanh nghiệp châu Âu làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc cho thấy hoạt động chuyển giao công nghệ bắt buộc là mối lo lớn dần, khoảng 20% đại diện doanh nghiệp trả lời cho biết họ phải nộp lên nhiều bí quyết công nghệ để được cho phép tiếp cận thị trường. Tỷ lệ này vào năm 2017 ở mức 10%.
Đối với những công ty đã rời đi hoặc đang cân nhắc rời khỏi Trung Quốc, điểm đến yêu thích nhất không phải Mỹ mà là một số nước mới nổi tại Đông Nam Á hoặc Mexico.