Nếu không hoạt động trong giới công nghệ, có thể bạn sẽ chẳng quan tâm ARM là công ty nào, có sản phẩm gì. Thực tế là chẳng có một linh kiện nào trên điện thoại mà người dùng thường biết đến, như SoC hay camera hoặc màn hình, có thương hiệu của ARM trên đó.
Nếu xét tới kết quả kinh doanh, mức doanh thu hơn 1,8 tỷ USD của ARM trong năm 2018 cũng chỉ là số lẻ nếu so với Huawei (104 tỷ USD), Apple (265 tỷ USD), Intel (55 tỷ USD) hay Qualcomm (22,7 tỷ USD).
Tuy nhiên có thể thấy rõ quy mô và tầm ảnh hưởng của công ty Anh khi ARM quyết định ngừng hợp tác với Huawei. Trang tin Android Authority nhận định đây là cú “knock-out” đối với ngành smartphone của Huawei.
Không có Android của Google, Huawei vẫn còn hi vọng với hệ điều hành tự phát triển; nhưng không có công nghệ của ARM, họ chẳng có cách nào làm phần cứng trên di động.
Sinh ra từ nguyện vọng của Apple
ARM, viết tắt của Advanced RISC Machines, có nguồn gốc từ công ty máy tính Acorn Computers có trụ sở tại Cambridge, Anh. Acorn phát triển mạnh vào thập niên 1980, khi các công ty của Anh như BBC cần những con chip xử lý riêng cho các hệ thống của mình.
Apple Newton, một thiết bị thất bại của Apple đã vô tình tạo ra ARM, một công ty với ảnh hưởng sâu rộng tới ngành smartphone hiện đại. Ảnh: Wired.
Tới cuối thập niên 1980, Apple rất quan tâm tới dòng chip sử dụng tập lệnh RISC hay tập lệnh đơn giản hóa mà Acorn đang phát triển. Tuy nhiên công ty máy tính Acorn có thể coi là một đối thủ của Apple, và họ không muốn trực tiếp mua bản quyền từ đối thủ.
Giải pháp cuối cùng được đưa ra là Apple góp vốn, một công ty bán dẫn là VLSI Technology góp công nghệ, còn Acorn cung cấp 12 kỹ sư để thành lập một công ty hoàn toàn mới có tên ARM.
Chiếc máy tính bảng Apple Newton chính là sản phẩm đầu tiên của Apple sử dụng vi xử lý của ARM. Mặc dù Newton thất bại, ARM đã rút ra được một bài học rất đáng giá: họ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào một sản phẩm.
CEO của ARM lúc đó - ông Robin Baxby - quyết định lựa chọn một mô hình kinh doanh khác: kinh doanh bản quyền. Đó là một mô hình khá lạ lẫm vào thời điểm những năm 1990, nhưng trở thành thứ giúp cho ARM có thành công như ngày hôm nay.
Những thành công ban đầu với thế giới điện thoại
Năm 1994, khi điện thoại di động bắt đầu phổ biến, ARM có được những khách hàng lớn khác. Nokia được Texas Instrument giới thiệu, hợp tác với ARM để thiết kế chip cho dòng máy họ sắp ra mắt. Thiết kế chip 16 bit này được ARM bán bản quyền cho Texas Instrument, sau đó được Nokia đem lên chiếc Nokia 6110.
ARM7, tên gọi chung của thiết kế này là sản phẩm cực kỳ thành công cuối thập niên 1990 của ARM. Họ đã bán bản quyền thiết kế cho 165 đơn vị, và thiết kế này đã được sử dụng trên khoảng 10 tỷ con chip.
ARM là công ty công nghệ Anh thành công nhất mà bạn chưa bao giờ nghe tên.
Báo Guardian, Anh.
|
Trong khoảng thời gian đó, Intel và ARM liên tục đối đầu với nhau trong lĩnh vực vi xử lý dành cho máy tính, máy chủ.
ARM thì vẫn kiên trì với con đường thiết kế và bán bản quyền chip, chứ không sở hữu những nhà máy sản xuất chip như Intel hay các đối tác gia công như TSMC của AMD. Nói cách khác, ARM chỉ bán bản vẽ, còn thực hiện như thế nào là công việc của đối tác.
Thế giới di động tiếp tục phát triển và thiết kế chip cho điện thoại cũng ngày càng phức tạp. Khi chức năng mà một con chip đảm nhiệm ngày càng nhiều, thiết kế mới gọi là Hệ thống trên chip (System on Chip hay SoC) được tạo ra, khi một con chip có thể thực hiện được hàng loạt tác vụ.
Việc thiết kế ra SoC rất phức tạp, không phải công ty nào cũng có đủ nhân lực hoặc công cụ để làm. Do vậy, mô hình bán bản quyền thiết kế của ARM bỗng trở nên rất hợp lý.
Bên trong mọi con chip di động hiện nay đều có công nghệ của ARM. Ảnh: Qualcomm.
Năm 2008, smartphone hiện đại dần thành hình khi iPhone được bán ra. Mọi công ty đều tìm kiếm một kiến trúc xử lý đảm bảo cân bằng giữa hiệu năng và khả năng tiết kiệm pin.
Những thiết kế chip đa nhân dần trở nên phổ biến, cũng như mô hình “big.LITTLE” kết hợp giữa những nhân mạnh mẽ, hiệu năng cao và nhân tiết kiệm điện trên cùng một con chip.
Những thiết kế đột phá của ARM góp phần giúp hiệu năng, pin trên smartphone ngày càng tốt lên. Trong khi đó, Intel đã không thể thành công khi đưa những con chip x86 lên smartphone. Tháng 3/2016, Intel tuyên bố từ bỏ lĩnh vực chip cho smartphone. Thị trường giờ đây thuộc về ARM.
Gã tí hon ảnh hưởng tới mọi hãng smartphone
Vi xử lý của Apple hiện tại có tên A12 Bionic. Qualcomm có dòng Snapdragon, Samsung có Exynos, Huawei thì có Kirin. Những cái tên rất đa dạng này thực chất đều sử dụng chung thiết kế của một hãng duy nhất: ARM.
ARM cung cấp 2 loại giấy phép sử dụng cho các hãng smartphone: giấy phép thiết kế và giấy phép sử dụng chip. Apple, Qualcomm hay Samsung là những hãng sử dụng giấy phép thiết kế của ARM để điều chỉnh, tạo nên thiết kế nhân vi xử lý cho riêng mình.
Nhân Vortex của Apple, Krait của Qualcomm hay M3 của Samsung là những thiết kế tinh chỉnh dựa trên thiết kế có sẵn của ARM.
Với giấy phép sử dụng chip, các hãng có thể lấy thiết kế hoàn chỉnh của một nhân xử lý do ARM phát triển và đưa vào chip của mình. Những cái tên như Cortex-A53, Cortex-A73 có thể sẽ rất quen thuộc nếu bạn nhìn vào cấu trúc của một vi xử lý trên smartphone.
Đó là lý do nhiều người nhận định Huawei sẽ “hết cửa” cạnh tranh ở thị trường di động nếu không còn hợp tác với ARM. Có thông tin cho rằng những bản quyền mà họ đã mua từ trước là dạng “mua đứt”, tức là Huawei có thể khai thác đến bao giờ họ thích.
Điều đó đồng nghĩa những con chip đã ra mắt như Kirin 710, Kirin 980 sẽ tiếp tục được sản xuất bình thường. Những con chip đã hoàn thiện thiết kế như Kirin 985 cũng có thể được ra mắt đúng hạn.
Tuy nhiên, tương lai không có ARM là rất tối tăm với Huawei. Ngoài ARM, hiện tại chẳng còn hãng nào cung cấp thiết kế chip cho điện thoại. Nếu Huawei muốn phát triển một thiết kế từ đầu, họ sẽ phải mất nhiều năm, theo nhận định của Android Authority. Đến lúc đó, những đối thủ của Huawei có thể đã sử dụng thiết kế mới, tiên tiến hơn từ ARM.
ARM giờ đây thuộc sở hữu của SoftBank, công ty của "ông trùm" làng công nghệ Son Masayoshi. Ảnh: Zuma Press.
Ông Hermann Hauser, người sáng lập Acorn và sau đó sáng lập ARM, vẫn thường kể lại câu chuyện ARM đã cứu Apple khỏi phá sản như thế nào. Năm 1990, khi ARM thành lập, Apple mua 43% cổ phần của công ty này với giá 1,5 triệu USD.
Vài năm sau, khi Steve Jobs đã rời đi, Apple thua lỗ nặng nề. John Sculley, CEO ở thời điểm đó quyết định bán số cổ phần của ARM với giá 800 triệu USD.
Trả lời Extreme Tech, ông Sculley cho rằng chính số tiền đó đã giúp Apple tránh khỏi phá sản, thậm chí có tiền để mua lại công ty NeXT của Steve Jobs, người sau đó thêm một lần thành công rực rỡ với Apple.
ARM có thể đã gián tiếp cứu Apple một lần. Giờ đây, họ có thể trực tiếp giết chết giấc mơ bá chủ của Huawei.