Đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Trong đó, yêu cầu NHNN điều hành chính sách linh hoạt trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. NHNN phải quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; hoàn thiện, trình Thủ tướng đề án chống đôla hóa và vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ một lần nữa đưa ra bài toán: Làm thế nào để huy động ngoại tệ, vàng trong dân để họ đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh?
Trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng muốn đẩy nguồn vốn đang nằm trong dân thì cần khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, chúng ta cần nghiên cứu nâng trần lãi suất USD hiện đang là 0% với dân cư.
“Chúng tôi đang đề xuất nâng trần này lên 0,25% để kích thích tâm lý người dân. Mặc dù chúng tôi biết rằng, nhiều người đem đô la đi gửi ngân hàng không phải xem vấn đề lãi suất là chính nhưng nếu có thêm chút ít lãi suất cũng giúp người dân mặn mà đem ngoại tệ gửi hơn. Điều này cũng phù hợp với xu thế tăng lãi suất USD trên thế giới được dự báo trong thời gian sắp tới”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Ngoài ra, theo ông Lực, hướng làm này cũng giải quyết khó khăn ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại. Cho vay ngoại tệ hiện chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. Nếu không huy động đủ của người dân thì họ sẽ phải đi vay nước ngoài với chi phí đắt hơn huy động của người dân.
“Như vậy nâng trần lãi suất huy động USD sẽ tác động tích cực đến cả người dân và các định chế tài chính. Nhưng chúng tôi xin nhấn mạnh chỉ nâng trần lãi suất huy động đối với cá nhân còn đối với các tổ chức, doanh nghiệp vẫn duy trì là 0%. Song song đó là quá trình chống đô la hóa”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Ông cho biết thêm hiện nay, đô la hóa ở Việt Nam vào khoảng 10% (theo định nghĩa đô la hóa chính là lượng ngoại tệ gửi và cho vay trong nền kinh tế). Liệu rằng 10% đã là phù hợp chưa? Chúng ta cần tính toán tổng thể để đưa ra ngưỡng tối ưu đối với nền kinh tế chứ không phải chống đô la hóa bằng mọi giá.
Còn theo TS. Bùi Quang Tín (ĐH Ngân hàng TP.HCM), chính sách lãi suất USD 0% đã gặt hái thành công, đã giúp NHNN giữ được ổn định tỷ giá từ tháng 10/2015 cho đến nay. Cùng với đó là ngay từ đầu năm 2016, NHNN đã nhanh chóng đưa ra cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm mới giúp cho tỷ giá USD/VND ổn định.
Thứ hai, tình trạng găm giữ và đầu cơ ngoại tệ đã giảm. Chính sách lãi suất USD 0% trong thời gian qua đã tác động tích cực đến hành vi của doanh nghiệp và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VND hay USD, nhằm tối ưu hóa trong việc sử dụng vốn.
Song ông Tín cũng đề xuất NHNN có thể nâng trần lãi suất huy động USD bởi các lý do:
Khoảng cách giữa lãi suất USD trong và ngoài nước được rút ngắn sẽ giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) không còn động cơ để lách trần lãi suất huy động USD và các ngân hàng khi có nhu cầu về ngoại tệ sẽ đi vay nước ngoài hoặc huy động từ trong nước theo mức lãi suất trong trần mà NHNN quy định.
Khách hàng sẽ quay lại gửi USD tại ngân hàng với kỳ hạn dài hơn, từ đó giúp NHTM hạn chế được rủi ro kỳ hạn giữa huy động và cho vay USD và rủi ro thanh khoản như hiện nay.
NHNN vẫn tiếp tục được chính sách hạn chế đô la hoá như thời gian qua khi mà chênh lệch lãi suất giữa USD – VND khá hấp dẫn như hiện nay và tỷ giá USD/VND khó tăng đột biến như năm 2015 cũng như nhiều cơ hội để người dân và doanh nghiệp chuyển từ USD sang VND để đầu tư, kinh doanh và sản xuất.
Tăng được tính minh bạch và kỷ luật thị trường được đảm bảo do khi đó quyền lợi giữa người gửi tiền và ngân hàng được đảm bảo và hài hoà.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]