Đã có trẻ tử vong
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, hàng năm có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra do dị vật đường thở. Có trường hợp gây tắc nghẽn dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, không ít các trường hợp dù được các bác sĩ cứu sống nhưng do dị vật hóc quá lâu gây ra thiếu oxy trong thời gian dài. Điều này dẫn đến những biến chứng tinh thần, vận động sau này.
Mặc dù các bác sĩ đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về tình trạng hóc dị vật ở trẻ em nhưng cũng theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, tại khoa Nhi đã từng cấp cứu cho nhiều trường hợp trẻ hóc dị vật là hạt hướng dương, hóc thạch, và nhiều dị vật khác rất nguy hiểm tính mạng. Nhiều trường hợp bệnh nhi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngừng thở, phải tiến hành đặt ngay nội khí quản.
Theo bác sỹ Dũng: “Hạt dưa, hạt bí, hạt nho khô với một đứa bé hay nô nghịch khi ăn, làm cho thức ăn thay vì vào đường tiêu hóa nó lại vào đường thở, gây sặc. Bố mẹ cần phải hết sức cảnh giác, nên tránh để bé nô đùa, cười đùa nhiều, chạy nhanh khi ăn. Đó là biện pháp ưu tiên phòng ngừa hàng đầu”.
Theo các bác sĩ, dị vật đường thở là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 - 4 tuổi. Theo thống kê có đến 25% gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và 95% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở hay gặp nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...
Một trường hợp trẻ hóc dị vật được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu
“Cha mẹ có thể áp dụng cách để trẻ thốc đầu hướng xuống đất, vỗ lưng đứa trẻ để dị vật rơi ra rồi đưa cấp cứu. Có vài khả năng xảy ra như: 1. Trẻ ho và dị vật rơi ra. 2. Dị vật tắc ngay tại đó, gây khó thở, tím tái. 3. Dị vật xuống dưới phổi, không có cách nào gỡ ra được, trường hợp này phải nhờ đến nhân viên y tế nội soi phế quản, gây mê mới làm được”- PGS. Thuý cho biết.Đối với người lớn, dị vật đường thở xảy ra do ăn uống bị sặc, nghẹn, chất nôn trào ngược vào đường thở. Ngoài ra cũng có thể do tai nạn làm cho máu, chất dịch, răng, bùn, đất rơi vào đường thở... Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị bất tỉnh, ngừng tim và dẫn đến tử vong.
Tuyệt đối không “vuốt xuôi”
Về xử lý sơ cứu, theo PGS. Thuý, điều đầu tiên là không nên để dị vật rơi vào đường thở, đó là biện pháp tốt nhất. Trẻ con đặc biệt từ 6 tháng đến 4-5 tuổi rất dễ bị hóc dị vật, do đó khi ăn uống nên ngồi một chỗ không nên nô đùa, hoặc làm các động tác có phản xạ. Nếu thấy trẻ khóc, ho, tím tái, cần xử trí. Tuy nhiên, nếu bố mẹ càng móc tay vào miệng trẻ, thì làm cho dị vật càng sâu, phù nề hơn. Chính vì thế, phụ huynh nên động viên trẻ nhè ra.
Cách sơ cứu trẻ học di vật nhỏ
PGS. Dũng khuyến cáo, rất nhiều bệnh nhi tử vong vì hóc dị vật mà không được người nhà sơ cứu đúng cách trước khi đưa đến viện. Do đó, với trẻ nhỏ bị sặc bột, cháo hay hóc, nghẹn hoa quả, hạt, cần cho trẻ nằm sấp, đầu dốc xuống dưới, úp lòng bàn tay vỗ mạnh vào giữa lưng bé. Với trẻ lớn, người thân cần đứng sau ôm bụng sốc mạnh người trẻ lên. Tuyệt đối không vuốt xuôi, vì làm thế vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn. Sau khi làm thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.Đặc biệt phải kể đến trẻ hóc thạch. Đây là hóc dị vật đáng sợ và nguy hiểm nhất, bởi miếng thạch mềm nên khi trôi xuống đường thở nó dễ dàng thay đổi hình dáng, ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu oxy lên não. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, dễ nát. Đó là lý do hầu hết các ca hóc thạch đều tử vong.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]