Ăn nhiều thịt dễ mắc bệnh ung thư
Một công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ đối với 50.000 người ăn chay trong tuần lễ Giáng Sinh vừa rồi đã làm sửng sốt thế giới: Nhóm người này có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp một cách kỳ lạ.
Và họ đặt câu hỏi: Tại sao nhóm người hay ăn thịt lại mắc bệnh ung thư nhiều hơn?
Một trong những lý do căn bản chính là thịt động vật. Sự thực hiển nhiên là thịt thú vật nếu cứ để tự nhiên thì sau một ngày sẽ bị ôi thiu.
Vì thế, nền công nghiệp thực phẩm đã cố gắng bảo quản và che giấu sự biến màu của thịt bằng cách thêm vào Natri, Nitrat và các chất bảo quản khác.
Những chất bảo quản đó làm thịt tươi lâu. Song nó chính là sát thủ nguy hiểm vì có chứa chất carcinogenic gây ung thư.
Ông William Lijinsky, nhà nghiên cứu ung thư nổi tiếng Mỹ đã nói: “Thậm chí tôi không bao giờ cho con mèo của tôi ăn những thức ăn có Nitrat”.
Các nhà khoa học Anh và Mỹ đã nghiên cứu và tìm thấy sự khác nhau căn bản giữa vi khuẩn trong ruột của nhóm người ăn thịt và ăn rau củ.
Qua đó, những vi khuẩn trong ruột của nhóm ăn thịt ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và nó sản xuất ra những hóa chất được coi là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.
Điều này giải thích được nguyên nhân vì sao bệnh ung thư ruột lại thường thấy ở những người ăn thịt ở Bắc Mỹ và vùng Tây Âu. Còn ở những người ăn chay như ở Ấn Độ thì tỷ lệ người mắc bệnh này lại vô cùng ít ỏi.
Thịt từ lâu được coi là thức ăn đầu bảng trong chuỗi thức ăn. Có điều, trong khi thú vật ăn cây cỏ thì những con thú lớn và con người lại ăn những con thú nhỏ hơn.
Ngày nay, hầu hết các cánh đồng trên thế giới đều được bón phân hóa học và thuốc trừ sâu. Chất độc hại này được giữ lại trong cơ thể con người và những con thú ăn những cây cỏ bón phân hóa học.
Chẳng hạn thuốc trừ sâu DDT được phun trên những cánh đồng là một thứ thuốc độc mà các nhà khoa học đã khẳng định, là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư, chứng vô sinh và một loạt các bệnh về gan rất trầm trọng.
DDT và một loạt các thuốc trừ sâu khác được tích lũy trong mỡ của các con thú, cá và rất khó bị phân hủy.
Như vậy, khi con bò ăn cỏ ở ngoài cánh đồng, thuốc trừ sâu chúng ăn vào giữ lại phần lớn trong cơ thể và khi ăn thịt chúng, tức là chúng ta hấp thụ toàn bộ chất DDT và những chất hóa học khác đã tích lũy trong cả cuộc đời con thú.
Ăn những thức ăn gọi là đầu bảng thì con người vẫn là loại tiêu thụ cuối cùng và hơn nữa, đã thu nhận lượng độc tố tập trung cao nhất. Điều này đặc biệt gây hại cho trẻ sơ sinh.
Cơ thể non nớt đã phải nhận tất cả độc tố từ người mẹ ăn thịt. Các thí nghiệm tại Trường Đại học thuộc bang Iowa (Mỹ) đã cho thấy: Hầu hết chất DDT trong cơ thể con người là do ăn thịt và ở người ăn rau thì lượng DDT ít hơn người ăn thịt một nửa.
Nhưng quá trình đầu độc thịt không phải chỉ có thế.
Để thu lợi nhuận cao nhất, con vật bị nhồi nhét, bị tiêm hormone để kích thích ăn uống, sinh trưởng, bị uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và nhiều hỗn hợp hóa chất dùng làm thức ăn.
Tờ New York Times đã công bố: “Sự nguy hiểm đe dọa trầm trọng sức khỏe người tiêu dùng là các nhân tố gây bệnh bị che đậy, được gọi là các vi khuẩn như salmonella và các phần bã còn lại khi dùng các loại thuốc trừ sâu, nitrate, natri, hormone, kháng sinh và các hóa chất khác”.
Có rất nhiều chất hóa học đã được tìm ra là nguyên nhân của bệnh ung thư và thực tế có nhiều con vật đã chết vì các loại dược phẩm trước khi chúng bị làm thịt.
Các công trình nghiên cứu cho thấy nhiều hóa chất trong thịt và cá có thể gây ung thư và nhiều loại bệnh khác, làm thai bị dị dạng, tác hại rất lớn tới phụ nữ có thai và trẻ em.
Ăn nhiều thịt dễ bị mắc các bệnh tim mạch, thận, gout...
Bệnh tim mạch
Lý lẽ thuyết phục nhất khiến người ta tuân thủ một chế độ ăn không có thịt là mối liên quan không thể bác bỏ giữa việc ăn thịt và bệnh tim mạch.
Đây là căn bệnh phổ biến nhất của xã hội hiện đại có nhiều người ăn thịt như Mỹ, Canada, Tây Âu và bây giờ là Việt Nam. Điều gì gây tai hại cho sự lưu thông máu ở những người ăn nhiều thịt?
Thịt của những con thú béo có rất nhiều cholesteron. Nó không bị phá hủy ngay trong cơ thể con người mà hình thành những đường mỡ hoặc bức thành bằng mỡ bám trong mạch máu của những người ăn thịt.
Quá trình này cứ tiếp tục lớn dần theo năm tháng khiến máu huyết lưu thông kém dần. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cho cái gọi là xơ vữa động mạch.
Nó làm cho quả tim phải làm việc rất vất vả, phải co bóp hết sức để đẩy máu đi trong các mạch máu đã bị bít lấp bởi mỡ. Và kết quả tất yếu là huyết áp cao, đau tim và đột quy.
Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Harvard khẳng định rằng: Huyết áp trung bình ở người ăn chay ổn định hơn nhiều so với những người ăn mặn.
Tại Mỹ, bệnh tim mạch là căn bệnh giết người hàng đầu. Một nửa số người chết là do bệnh tim hay có liên quan đến bệnh về mạch máu.
Càng ngày càng có nhiều thầy thuốc ở Mỹ đưa ra chế độ ăn hạn chế thịt cho các bệnh nhân tim mạch hoặc thuyết phục người bệnh thôi hẳn việc ăn thịt.
Tạp chí Hiệp hội Hoa Kỳ đã công bố: “Chế độ ăn chay có thể ngăn ngừa 90- 97% bệnh tim mạch (tắc nghẽn mạch máu và tắc động mạch vành)”.
Ngày nay, các nhà khoa học đã thừa nhận rằng: Chất xơ do chế độ ăn chay đã làm cho lượng cholesteron ở vào mức thấp.
Bác sĩ U.D.Register - Chủ nhiệm khoa dinh dưỡng tại Đại học Loma Linda thuộc bang California đã mô tả thí nghiệm về một chế độ ăn giàu đỗ tương, đậu... thực sự làm giảm lượng cholesteron ở cả những người đang ăn một số lượng lớn bơ sữa.
Bệnh thận, gout và bệnh viêm khớp
Chất thải chủ yếu của người là ure và acid uric. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, thận của những người ăn thịt phải làm việc nhiều hơn gấp 3 lần so với thận của người ăn chay vì nó phải bài tiết những độc tố nitơ phức hợp.
Khi thận bị làm việc quá tải và mệt mỏi vì chế độ ăn nhiều thịt gây ra, các acid uric không bài tiết hết sẽ lắng đọng trong khắp cơ thể. Những thứ đó được các cơ bắp hút như miếng bọt biển hút nước.
Sau đó nó có thể đông cứng lại ở dạng tinh thể, khi xuất hiện ở khớp thì gây ra bệnh khớp, bệnh gout, bệnh viêm khớp. Khi các acid uric tập trung tại các dây thần kinh thì bệnh viêm dây thần kinh và đau dây thần kinh hông xuất hiện.
Sự bài tiết kém
Vì hệ thống tiêu hóa của chúng ta được tạo ra không phải cho một chế độ ăn thịt nên sự tiêu hóa kém và sự lo lắng thường xuyên ở những người ăn thịt là một hệ quả hết sức tự nhiên.
Thức ăn chứa nhiều thịt sẽ mất rất nhiều thời gian để chuyển động trong ruột trước khi được thải ra.
Lượng thức ăn này sẽ bị lên men, phân hủy và tạo thành chất độc trước khi bị tống ra khỏi cơ thể. Thức ăn chỉ cần 1/2 khoảng thời gian trên để đi qua cơ thể người châu Phi vì họ ăn nhiều chất xơ so với người Mỹ vốn ít ăn rau củ.
Ngày nay, các công trình nghiên cứu đã xác nhận rằng: Chỉ khi thực hiện một chế độ ăn có nhiều xơ từ rau củ thì sự bài tiết mới đem lại lợi ích cho sức khỏe. Rau, củ, hạt, trái cây khác với thịt là chúng có nhiều nước và dễ bài tiết.
Các thức ăn xơ sợi là một yếu tố phòng ngừa quan trọng chống các bệnh viêm ruột thừa, bệnh tim mạch và các bệnh béo phì, trì trệ.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]