Rối loạn tiền đình biểu hiện bằng những cơn chóng mặt, do tổn thương hệ thần kinh của các vùng tai, tim mạch, mắt, tâm thần. Trước đây, RLTĐ chỉ phát triển trong nhóm bệnh nhân trung niên nhưng hiện nay RLTĐ đã xuất hiện ở người trẻ tuổi (trên 20 tuổi). Mức nguy hại của RLTĐ là những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm, như thiếu máu não hoặc tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong.
Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là căn bệnh bị rối loạn bởi vùng nằm ở phía sau ốc tai (hai bên), ảnh hưởng trực tiếp đến hệ não bộ của con người từ đó tác động đến tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình người bệnh.
Rối loạn tiền đình là chứng bệnh đang ngày càng phổ biến khi mà tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng. Rối loạn tiền đình rất dễ xảy ra ở những người làm việc tại văn phòng, những người ngồi nhiều trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy vi tính. Vì ngồi nhiều trong phòng lạnh, vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi vùng não bộ gây ra bệnh rối loạn tiền đình. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát. Mức độ bệnh có thể nhẹ hoặc cũng có thể diễn biến khá nặng và nghiêm trọng tùy từng người bệnh
Ai dễ mắc hội chứng rối loạn tiền đình
Ngày nay, rối loạn tiền đình đang ngày càng gia tăng ở nhiều lứa tuổi và nhiều ngành nghề khác nhau gây ra những ảnh hưởng nghiệm trọng đến chất lượng cuộc sống. Rối loạn tiền đình thường gặp ở các đối tượng:
Người chịu áp lực công việc lớn, phải ngồi lâu trước máy vi tính như nhân viên văn phòng, người lao động trí óc, học sinh, sinh viên..
Người bị thiếu máu: thiểu năng tuần hoàn não, phụ nữ sau sinh, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, thiếu máu sau chấn thương,…
Người có nồng độ cholesterol trong máu cao như bệnh nhân máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch.
Người bị mắc các bệnh về thần kinh: Viêm dây thần kinh, u dây thần kinh, viêm tai giữa, mắt, tâm thần…
Người bị huyết áp thấp, huyết áp cao.
Người sử dụng nhiều bia, rượu; nhiễm độc thuốc hoặc hóa chất.
Người bị tổn thương hệ xương: viêm khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…
Người già, các cơ quan bị suy yếu, lão hóa.
Người quan hệ tình dục không đều đặn.
Triệu chứng và diễn biến
Các triệu chứng ban đầu thường ít xuất hiện, nếu có thì có thể là mất ngủ, người mệt mỏi. Thường vào buổi đêm về sáng, người bệnh thức giấc mở mắt ra nhìn mọi vật xung quanh thì có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn. Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn. Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh. Mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả.
Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày, rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.
Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống...), tuần hoàn kém và các vấn đề thần kinh, tâm lý, tạo máu.
Việc khống chế những cơn chóng mặt “khủng khiếp” là rất cần thiết và phải kịp thời. Để người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Chọn tư thế nằm thích hợp như: nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa. Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện giải; orezol là dung dịch được lựa chọn. Xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.
Các dạng bệnh rối loạn tiền đình
Hội chứng tiền đình gồm có hai loại là rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương. Cụ thể của từng trường hợp như sau:
Rối loạn tiền đình ngoại biên: là bệnh lành tính có ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh nhưng không quá nghiêm trọng. Nguyên nhân gây bệnh thường là do gặp phải chấn thương vùng đầu, các tổn thương tai trong như viêm tai xương chũm mạn tính và các bệnh lý khác như tắc mạch máu ở vùng sau cổ. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh chữa bệnh hay các loại thuốc lợi tiểu, thói quen uống nhiều rượu bia và các chất kích thích cũng là các tác nhân chính gây nên loại bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên này.
Các dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên tiêu biểu là chóng mặt xảy ra khi người bệnh thay đổi tư thế như khi lắc đầu, chuyển từ nằm sang ngồi. Tuy nhiên các cơn chóng mặt nhanh chóng qua đi và người bệnh vẫn có thể đi lại được. Có trường hợp có thể kèm theo các triệu chứng như ù tai, nôn ói, giảm thính lực, đau đầu, khó tập trung,… Bên cạnh đó vẫn có một số trường hợp bị rối loạn tiền đình ngoại biên có thể có biểu hiện tình trạng chóng mặt nặng và kéo dài, khiến người bệnh không thể đi đứng được, không thể thay đổi tư thể từ nằm sang ngồi được.
Rối loạn tiền đình trung ương: đây là bệnh lý thường gặp xảy ra do những tổn thương trong hệ tiền đình, các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não khi bộ phận này không được cung cấp đủ lượng máu đến nuôi não bộ. Tác nhân trực tiếp gây ra rối loạn tiền đình trung ương là do xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, thoái hoá cột sống cổ làm chèn ép mạch máu.
Các triệu chứng bệnh thường gặp khi bị hội chứng tiền đình trung ương khá giống với biểu hiện của bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, choáng váng mỗi khi thay đổi tư thế, có khi kèm theo bị nôn ói, khó tập trung, mau quên.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]