Khổ sở vì không biết rặn đẻ
Dù đã sinh nở đến hơn một năm nhưng cứ mỗi lần có ai hỏi về chuyện đi đẻ, chị Nga (Thanh Oai, Hà Nội) lại cười lớn vì "lỗi" không biết rặn đẻ của mình. Chị kể: “Đã hơn một năm rồi nhưng mình chưa bao giờ quên được chuyện đi đẻ cu Tôm. Chắc cả đời này sẽ không bao giờ quên được mất. Hãi nhất là lúc rặn đẻ. Khi lên bàn đẻ, cổ tử cung mình đã mở được 9 phân, bác sĩ bảo chuyện bị rặn đẻ nhưng mình chẳng biết rặn thế nào cả.”
Theo lời chị kể thì chị thuộc ca đẻ khó, đau bụng đến tận 3 ngày con yêu mới chịu chào đời. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ nhưng đến ngày thứ 2, thứ 3 thì đau dữ dội. Buồn nhất là dù rất đau nhưng cổ tử cung của chị cứ nhích từng phân một. Đến ngày thứ 3, bác sĩ phải tiêm thuốc kích đẻ, tử cung mới mở được 9 phân và chị mới chính thức được lên bàn đẻ. Có lẽ vì đau lâu quá, lại không ăn uống được gì nên chị Nga dường như kiệt sức. Lên đến bàn đẻ thì chị chỉ có thể thở chứ không còn sức mà rặn nữa.
“Lúc bác sĩ hô bắt đầu rặn, tôi cũng cố gắng dùng hết sức mình để rặn nhưng dường như cơn rặn của tôi nhẹ bị hụt hơi nên đầu con không thể ra được. Bác sĩ càng nói lớn thì tôi càng cuống và cứ rặn tùm lum lên. Hình như lúc ấy các bác sĩ cũng biết tôi bị mệt và mất bình tĩnh nên đã trấn an tôi rằng cố gắng nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, tập trung hết sức để rặn rồi thở ra nhẹ nhàng. Thật may là cu Tôm ngoan, không bắt mẹ phải rặn quá nhiều. Khoảng 15 phút sau đó thì con chào đời. Tôi chỉ kịp nhìn con một cái rồi nhắm mắt thở phào. Sau sinh, bác sĩ còn nhắc đi nhắc lại rằng nếu sinh đứa sau thì phải đi học cách rặn đẻ trước chứ không biết rặn thế này nguy hiểm cho cả mẹ và con. Mà tôi nghĩ cũng đúng, nhỡ may rặn hụt hơi, đầu con vừa ra được lại không còn sức rặn nữa thì quá nguy hiểm. Nếu có tập 2, chắc chắn tôi sẽ phải đi học rặn đẻ”, chị Nga kể tiếp.
Vợ đẻ chồng cũng rặn theo
Chuyện đón cậu con trai đầu lòng của cặp đôi Trọng – Thu mới có nhiều chuyện để nói. Ngày đó, anh Trọng đang sống và làm việc tại Nhật nên khi tổ chức đám cưới xong, chị Thu cũng sang đó cùng anh và anh chị đã đón bé Cốm ở một bệnh viện tuyến tỉnh của Nhật. Ở bên đó, hầu hết các ca sinh nở, người chồng đều có thể vào phòng sinh để hỗ trợ tinh thần cho vợ. Vì vậy mà anh Trọng được dịp chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh vợ chuyển dạ.
“Mỗi lúc tôi quằn quại trong cơn đau đẻ, anh Trọng cũng nhăn mặt đau theo. Mặc dù tôi đau vô cùng nhưng nhìn mặt anh ấy, tôi không thể nhịn nổi cười. Cũng nhờ có anh bên cạnh mà tôi thấy thời gian đau đẻ diễn ra nhanh hơn”, chị Thu tâm sự.
Không chỉ đau cùng vợ, anh Trọng còn tình nguyện đưa tay cho vợ cắn lúc cơn đau lên đỉnh điểm. Mỗi lần bác sĩ hô 1,2,3… rặn là anh cũng hô theo và mặt tỏ rõ vẻ đang rặn theo vợ còn tay thì nắm chặt tay vợ như để tiếp thêm sức mạnh. Sau một hồi rặn đẻ, anh vừa phải lau mồ hôi cho vợ, vừa phải lau mồ hôi cho mình vì anh cũng “đau” không kém vợ mà.
“Đúng là có chứng kiến cảnh vợ đau đẻ mới hiểu được sự vất vả, sự hy sinh lớn lao của người phụ nữ. Khi nhìn thấy vợ đau quá tôi chỉ sợ cô ấy ngất đi. May mà hai mẹ con đã được mẹ tròn con vuông. Sau khi chứng kiến cảnh vợ sinh nở, càng thấy thương vợ nhiều hơn.”, anh Trọng thủ thỉ.
Kể lại chuyện sinh nở của mình, chị Hoàng Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa hết xấu hổ. Chị kể hồi mang thai bé Chíp, vì công việc kinh doanh bận rộn cộng với tâm lý chủ quan nên dù nhận được rất nhiều phiếu học tiền sản miễn phí nhưng chị không tham gia được buổi nào. Hậu quả là đến lúc lên bàn đẻ chị không biết rặn đẻ thế nào. Nhưng không biết rặn đẻ như chị Nga thì đã đành, chị Mai lại để lại hậu quả vô-cùng-xấu-hổ.
Chị nói: “Khi lên bàn đẻ mình khỏe lắm vì chỉ đau đẻ có hơn 3 giờ là cổ tử cung đã mở 10 phân. Cứ ngỡ là mình sẽ đẻ dễ ấy thế mà… Lúc bác sĩ hô chuẩn bị rặn, mình lấy sức rặn hết sức có thể. Các mẹ có biết kết quả là gì không? Mình rặn chẳng ra con mà toàn ra phân. Ôi chao là xấu hổ… Lúc đó dù đang đau đẻ lắm lắm nhưng mặt mình vẫn đỏ rực vì ngại. Nhưng dường như các bác sĩ cũng gặp trường hợp này nhiều rồi nên không tỏ ra khó chịu chút nào. Ekíp đỡ đẻ cho mình vẫn tận tình hướng dẫn mình rặn từ từ và đúng cách. Cuối cùng thì mình đã rặn được ra... con. Chỉ khổ anh xã sau đó phải vào dọn “bãi chiến trường” do mình thải ra. Trải nghiệm này mình sẽ không bao giờ quên. Chắc sau này mà con biết mẹ sinh nó thế sẽ buồn cười lắm.”
Kết
Để không bị bỡ ngỡ khi lên bàn đẻ sinh thường, các chuyên gia luôn khuyên chị em bầu cần chuẩn bị vững tâm lý cũng như kiến thức sinh nở. Mẹ bầu nên tham gia các khóa học tiền sản để được hướng dẫn cách rặn đẻ, cách thở khi sinh nở và cách chăm sóc bé sau sinh. Những ông chồng muốn được có mặt trong phòng sinh cùng vợ cũng nên tham khảo kỹ lưỡng kiến thức về chuyện sinh nở để có thể giúp vợ được tốt nhất trong hành trình đón con yêu chào đời.
Theo khampha.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]