Gừng là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt cũng như trong các bài thuốc dân gian. Thông tin trên Tạp chí Khoa học Công nghệ cho biết 70% đơn thuốc Đông y có vị gừng. Người xưa còn có câu: Mỗi ngày một lát gừng già, lương y bất đáo gia.
Y học cổ truyền gọi gừng tươi gọi là sinh khương và gừng khô còn gọi là can khương, có vị cay, tính ấm, đi vào 3 kinh là phế (phổi), tỳ (lá lách), vị (dạ dày). Gừng có tác dụng phát biểu, ôn trung, trục hàn, tiêu đờm, giải độc tố, hồi dương, thông mạch, chống nôn ói…
Theo Đông y, gừng tươi tác dụng vào các kinh phế, tỳ, vị, thận và đại tràng, có tác dụng làm ấm, chống lạnh, hồi dương, thông lạch. Có thể dùng gừng để chữa thổ tả, đau bụng, sình bụng, chân tay lạnh, mạch yếu, cảm lạnh, ho, thấp khớp do lạnh... Trong gừng còn chứa một loại tinh dầu có thể chữa cảm lạnh, buồn nôn, chữa ho rất hiệu quả thường được dùng trong các bài thuốc Đông y.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy gừng là một nguồn cung cấp dồi dào các vitamin A, C, E, B, magiê, kali, phốt pho, silic, sắt, natri, canxi, kẽm và beta-carotene. Gừng có tác dụng trong việc giảm rối loạn tiêu hóa, trị bệnh say tàu xe, giảm tỷ lệ dị tật, giảm viêm đau cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
Tác giả cuốn Natural Choices for Women’s Health, bác sĩ liệu pháp Laurie Steelsmith cho biết, trong điều trị bệnh, gừng cũng được sử dụng để khắc phục chứng máu lưu thông kém và đau thắt lưng. Ở mức độ cảm giác, gừng có thể hoạt động như một chất xúc tác giúp giảm đau.
Đối với những người bị nhiễm lạnh, cảm cúm gừng được xem là loại thuốc hiệu quả nhất. Các loại nước uống, siro pha chế từ gừng từ lâu đã được xem bí kíp chữa trị ho, viêm họng hiệu quả và an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Bài thuốc chữa ho hiệu nghiệm từ gừng
Gừng và củ cải trắng
Củ cải tính hàn, có công dụng trong việc trị ho, tốt cho phổi, đặc biệt là vào mùa đông, một số người thường xuất hiện nhiều đờm khô, gây khó chịu cho phổi. Hãy ăn một chút củ cải sẽ có hiệu quả tốt.
Trong củ cải hàm chứa một lượng chất cay nhất định. Ngoài ra, củ cải còn có chức năng trợ giúp đối với những người bị tắc mũi, đau họng do cảm trong mùa đông, có thể dùng củ cải để giải quyết những vấn đề nhức đầu này.
Cách 1: Rửa sạch 1 củ cải trắng, cắt thành những miếng nhỏ, sau đó sắc chung với 3 lát gừng tươi, 5 hạt hồ tiêu và 1 miếng vỏ quýt khô uống hằng ngày.
Cách 2: Dùng 7 lát gừng tươi và 2 củ cải trắng rửa sạch, giã nhuyễn, lấy nước cốt uống mỗi ngày 2 – 3 lần.
Cách 3: Rửa sạch 250g gừng tươi và 1kg củ cải trắng, cắt nhỏ. 1kg lê rửa sạch gọt vỏ, bỏ hạt. Xay nhuyễn và vắt nước để riêng ba loại gừng, củ cải và lê. Đun sôi nước củ cải và lê cho đến khi đặc sệt thì cho thêm nước gừng cùng 250ml mật ong và 250ml sữa vào quấy đều rồi đun sôi lại. Sử dụng siro gừng củ cải này bằng cách pha 1 muỗng canh cùng với nước nóng để uống, mỗi ngày 2 lần. Bạn có thể để nguội rồi cất vào lọ, bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Gừng và mật ong
Mật ong có hiệu quả cao trong việc chữa đau họng do ho. Một nghiên cứu chứng minh một liều mật ong cũng có tác dụng tương đương với một liều dextromethorphan (thuốc chữa ho). Uống mật ong hàng ngày trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy sẽ có công dụng trong việc phòng ngừa viêm họng.
Cách 1: Sắc gừng, vỏ cam (hoặc quýt), một ít vỏ quế và nước để uống nếu bị ho do nhiễm lạnh.
Cách 2: Rửa sạch, giã nhuyễn 60g gừng già tươi đun cùng 500ml nước, để lửa nhỏ trong khoảng 30 phút. Sau đó bỏ xác gừng, cho 100ml mật ong vào khuấy đều. Mỗi ngày uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần khoảng 50ml.
Cách 3: Nướng cháy xém một vài củ gừng già. Lột bỏ vỏ rồi giã nhuyễn, cho thêm mật ong vào trộn đều vắt lấy nước. Uống nước gừng mật ong, còn xác gừng thì ngậm trong miệng.
Gừng và lá me
Theo Đông y, lá me có tác dụng hữu hiệu trong việc giải độc. Vị chua của lá me giúp trị nóng rát cổ, ho khản tiếng.
Cách làm: Rửa sạch 3 nắm lá me tươi rồi cho vào nồi. Gừng rửa sạch, để nguyên vỏ và cắt lát mỏng rồi trải đều gừng lên trên lá me, cho vào nồi 2 cốc nước, đun sôi sau đó để lửa nhỏ đun tiếp trong 30 phút. Lọc bỏ phần xác gừng và lá me, chỉ lấy phần nước cốt. Hòa phần nước vừa đun cùng nước cốt của 5 quả chanh. Mỗi lần uống 4 muỗng canh, ngày 2 lần. Có thể làm với số lượng nhiều hơn, sau đó cho vào lọ, bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.
Gừng và lá hẹ
Theo Đông y, hẹ có vị cay hơi chua, tính ấm, có tác dụng bổ can thận, bổ dương, ôn trung hành khí, tán huyêt giải độc, cầm máu, tiêu đờm,… thích hợp chữa ho.
Cách làm: Rửa sạch 25g gừng tươi, gọt vỏ, cắt nhỏ. 250g lá hẹ rửa sạch, cắt nhỏ. Cho cả hai loại vào bát, thêm ít đường phèn vào rồi hấp cách thủy. Ăn cả phần gừng hẹ cùng nước sẽ thấy hiệu nghiệm.
Một số lưu ý khi sử dụng gừng
- Gừng nhạy cảm với nhiệt và oxy, vì vậy cần xử lý cẩn thận khi sử dụng loại thảo dược này. Nên bảo quản củ gừng ở nơi mát mẻ, khô thoáng hoặc trong ngăn mát tủ lạnh được 2-3 tuần. Không nên sử dụng gừng tươi đã bị dập.
- Nước gừng tươi đường đỏ chỉ thích hợp với những người phong hàn cảm mạo, hoặc vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa, không được dùng cho những người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt, càng không được dùng cho những người bị trúng nắng.
- Không sử dụng gừng cho người mắc bệnh trĩ, xuất huyết hoặc bị các bệnh liên quan đến dạ dày và gan. Phụ nữ mang thai và người có thân nhiệt cao cũng nên hạn chế dùng gừng trong thời gian dài.
- Gừng có thể phù hợp và kết hợp được với nhiều loại thuốc. Nhưng cần thận trọng khi dùng thuốc phải có khuyến cáo của bác sĩ. Không nên kết hợp gừng với những loại thuốc giảm huyết áp, chống loạn nhịp tim và thuốc kích thích cơ tim. Vì hoạt tính của những loại thuốc này sẽ tăng lên khi có sự kết hợp với gừng và gây ra tình trạng công thuốc, quá liều. Ngoài ra, gừng cũng không được dùng với thuốc hạ đường huyết vì gừng sẽ làm giảm lượng đường trong máu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]