Cảm nắng
Cảm nắng có thể xảy ra nếu bé ở ngoài nắng quá lâu mà không được che chắn cẩn thận, dẫn đến mất nước. Việc tiếp xúc đột ngột với nhiệt có thể khiến bé cảm nắng và bị sốt, đôi khi sốt rất cao.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh hạn chế cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời từ khoảng 10h sáng tới 4 chiều để tránh nắng nóng gay gắt. Khi bắt buộc phải cho trẻ ra ngoài cần che chắn cẩn thận, đội mũ rộng vành, mang theo nước để các bé hạ nhiệt.
Cảm nắng thường gặp ở trẻ nhỏ khi bắt đầu vào mùa nắng nóng.
Viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản
Thời tiết nắng nóng, nhiều em nhỏ thường thích ăn những đồ lạnh như kem, nước đá. Trời nắng nóng nhiệt độ tăng cao sẽ làm cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi nên các bậc phụ huynh thường bật quạt gió mạnh trực tiếp để hạ nhiệt. Nhiều em có thói quen bước từ ngoài trời vào phòng điều hòa khiến cơ thể bị sốc nhiệt. Đó là một vài nguyên nhân có thể khiến các em nhỏ dễ mắc các căn bệnh như Viêm họng cấp, viêm amidam, viêm phế quản, viêm phổi…
Do đó, để phòng ngừa viêm đường hô hấp cho trẻ trong những ngày nắng nóng, phụ huynh không nên bật quạt quá mạnh và thổi trực tiếp vào người trẻ và không nên bật điều hòa quá thấp trong phòng ngủ. Cũng như, cần hạn chế cho trẻ uống nước đá, ăn kem, ăn thức ăn lạnh.
Bệnh đường tiêu hóa
Không chỉ ở người già, bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, ngộ độc thực phẩm… cũng thường xảy ra ở trẻ em trong mùa nóng. Nguyên nhân chính dẫn tới tiêu chảy là do uống nước bị ô nhiễm, ăn thực phẩm bị ô nhiễm, vệ sinh cá nhân không đủ và không đúng cách, không gian sống không sạch sẽ.
Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, phụ huynh cần cho trẻ ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn, hạn chế ăn thức ăn để lâu. Đồng thời, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ đặc biệt thường xuyên rửa ray bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút do người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi.
Bệnh do muỗi
Ao tù nước đọng và thời tiết nóng ẩm khiến muỗi sinh sản mạnh nhất vào mùa hè, do đó các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh lây nhiễm do muỗi làm vật trung gian truyền bệnh có khả năng xảy ra rất lớn vào mùa này. Để phòng bệnh, cha mẹ chú ý giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường quanh bé luôn sạch sẽ, chú ý mắc màn cho con khi đi ngủ.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay, chân, miệng là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus và thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các bậc phụ huynh có thể nhận biết căn bệnh này ở trẻ nhỏ nhờ những dấu hiệu như vết ban đỏ mọng nước ở bàn tay, bàn chân và miệng bé.
Bệnh lây truyền khi tiếp xúc gần gũi với người bệnh, ho và hắt hơi, qua bàn tay người chăm sóc trẻ bệnh… Chính vì thế, cần tránh trẻ tiếp xúc với người bệnh, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cho trẻ ăn uống đảm bảo để tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho các loại virut, vi khuẩn, kí sinh trùng, côn trùng phát triển và bùng phát mạnh như: Sởi, tay chân miệng…
Do đó, để phòng bệnh trong những ngày nóng cho trẻ, cha mẹ cần một chế độ chăm sóc hợp lý đặc biệt là giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vui chơi nghỉ ngơi hợp lý, cũng như có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ khoáng chất và vitamin.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]