Khi bị chảy máu cam, nhiều người, nhất là các em nhỏ thường có thói quen ngửa cổ lên để ngăn không cho máu tiếp tục chảy. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc làm trên không những không có tác dụng “cầm máu” mà còn gây hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ bị chảy máu cam, không được cho trẻ ngửa cổ lên hoặc cúi đầu quá thấp vì sẽ gây hại cho trẻ.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị chảy máu cam
Chị Trần Thị Hồng Nhung (ở Hà Đông, Hà Nội) vừa có một phen sợ “tái mặt” khi suýt gây hại cho cô con gái 5 tuổi của mình. Chị Nhung cho biết, cách đây một tuần, con gái chị bỗng dưng bị chảy máu cam rất nhiều. Lấy kinh nghiệm bản thân đã từng bị chảy máu cam khi còn bé, chị Nhung dùng bông nhét kín hai lỗ mũi của bé, đồng thời cho đầu bé ngửa ra phía sau để ngăn không cho máu tiếp tục chảy. Ai ngờ, chỉ chưa đầy 1 phút sau khi ngửa đầu về phía sau, con gái chị bị ho sặc sụa, vừa ho, bông từ mũi bé bị bật ra, máu lại tiếp tục chảy.
“Nhìn con ho dữ dội, máu me chảy quanh miệng, da mặt con bị biến sắc khiến tôi thực sự hoang mang. Tôi gọi vội ông bà nội của cháu. Người vỗ lưng, người xoa ngực, người dùng bông giúp cháu cầm máu… Cũng may, một lúc sau thì cháu đỡ dần. Ban đầu, tôi cứ nghĩ chảy máu cam là triệu chứng đơn giản, chỉ cần “cầm máu” là xong. Ai ngờ lại khiến con trở nên như thế. Lần đó, con bé mà có mệnh hệ gì, chắc tôi hối hận cả đời”, chị Nhung ngậm ngùi.
Trao đổi với PV về tình trạng chảy máu cam, ThS.BS Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tình trạng chảy máu cam xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, chảy máu cam có thể do rối loạn đông máu. Khi đó, số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm hoặc có những bất thường về chất lượng gây ra tình trạng chảy máu. Nguyên nhân thứ hai là do những viêm nhiễm tại chỗ, tức là phần thành mạch mũi bị viêm hoặc bị thiếu vitamin C dẫn đến việc suy giảm chức năng bảo vệ khiến mũi dễ bị chảy máu.
Bên cạnh đó, khi huyết áp tăng cao, sẽ dẫn đến áp lực thành mạch tăng, gây nứt vỡ thành mạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người, nhất là người già dễ bị chảy máu cam. Ngoài ra, theo ThS.BS Nguyễn Thị Mai, sự va đập bởi một lực mạnh trực tiếp lên phần mũi hay các tổn thương bên trong mũi gây ra do thói quen ngoáy mũi hay cạy gỉ mạnh cũng khiến mũi dễ bị chảy máu.
Không ngửa cổ lên khi bị chảy máu cam
BS Nguyễn Thị Mai tư vấn, phương pháp đơn giản để “cầm máu” tại chỗ trong trường hợp bị chảy máu cam là giữ người ở tư thế cân bằng, có thể nằm cố định một chỗ, dùng hai tay ép chặt phần cánh mũi trong vài phút cho đến khi thấy máu ngừng chảy. Bên cạnh đó, chườm lạnh lên mũi cũng có thể áp dụng để hạn chế lượng máu chảy ồ ạt. Tuy nhiên, BS Nguyễn Thị Mai khuyến cáo, không nên dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên mũi, nhất là mũi của trẻ nhỏ vì đây là bộ phận cũng khá nhạy cảm, nước đá sẽ gây nguy cơ bỏng lạnh cho trẻ. Tốt nhất, phụ huynh nên chườm lạnh cho trẻ qua một lớp khăn mỏng sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Ngoài ra, theo BS Nguyễn Thị Mai, rất nhiều phụ huynh khi thấy con bị chảy máu cam thường cho trẻ ngửa cổ lên để ngăn dòng chảy từ mũi xuống. Tuy nhiên, đây là một cách làm sai lầm, bởi lẽ, khi đó, thay vì chảy ra phía lỗ mũi, máu lại bị “ép” chảy ngược vào trong cổ họng và xuống dạ dày. Trong trường hợp lượng máu nhiều chảy ngược đột ngột xuống cổ họng có thể gây khó thở và cảm giác buồn nôn ở trẻ. Mặt khác, cũng có một số phụ huynh cho trẻ cúi hẳn mặt xuống để “dốc” hết lượng máu chảy ra ngoài. Đây cũng là phương pháp không nên làm vì khi đó, áp lực dồn lên phần mặt của trẻ rất lớn, dễ khiến trẻ bị hoa mắt, chóng mặt, thậm chí cảm giác nhức đầu.
Theo BS Nguyễn Thị Mai, đối với phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ mà bị chảy máu cam cũng cần phải lưu ý để tránh gây hại cho thai nhi trong bụng. Chảy máu cam là tình trạng khá phổ biến trong thời kỳ mang thai do những thay đổi nội tiết tố. Nếu thai phụ bị chảy máu thường xuyên với lượng ồ ạt thì cần đến gặp bác sỹ để có cách xử lý kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm vì có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
BS Nguyễn Thị Mai lưu ý, với những trường hợp hay bị chảy máu cam do bị rối loạn đông máu, bên cạnh việc xử lý cầm máu tại chỗ, cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa để được khám và tư vấn khắc phục kịp thời, như uống bổ sung các loại thuốc đặc trị cầm máu hiệu quả. Ngoài ra, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp bị chảy máu cam do viêm nhiễm vùng mũi hoặc dùng thuốc điều trị huyết áp với những người bị huyết áp cao khi bị chảy máu cam.
Cần vệ sinh mũi, họng sạch sẽ cho trẻ Theo ThS.BS Nguyễn Thị Mai, để đề phòng trường hợp bị chảy máu cam, phụ huynh nên vệ sinh mũi, họng sạch sẽ cho trẻ. Có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng để rửa mũi cho trẻ. Tuy nhiên, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhầy bảo vệ và dễ bị tổn thương. Đồng thời, hạn chế tối đa việc va đập mạnh lên vùng mũi, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, trong tiết trời nóng bức, nên có các biện pháp bổ sung độ ẩm để hạn chế gây tổn thương đến niêm mạc mũi gây chảy máu. Ngoài ra, với những người có tiền sử bị rối loạn đông máu, huyết áp cao… cũng nên sử dụng thuốc đều đặn và tăng cường bổ sung vitamin C, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ bị chảy máu cam. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]