PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận hơn 6.600 trường hợp sốt phát ban trong đó gần 2.500 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Đến nay đã có 59/63 địa phương ghi nhận có bệnh nhân sởi. Nhưng hai tuần trở lại đây, số mắc sởi trên toàn quốc đã giảm đáng kể.
Số người mắc sởi tăng đột biến
Chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến BV Nhi TƯ lại nhiều như thời điểm suốt 2 tháng trở lại đây. BV Nhi TƯ đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi mà số giường bệnh vẫn không xuể, luôn có từ 200 – 250 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi phải nằm viện, dẫn đến vẫn phải nằm ghép 3-4 bệnh nhân một giường.
Trong nhóm bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi (68%), trẻ dưới 1 tuổi chiếm khoảng 16%. Đa số bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Hơn 10% trẻ mắc sởi đã tiêm mũi 1, chỉ có 4,2% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi mà vẫn mắc bệnh. Riêng tại Hà Nội, ghi nhận 901 trường hợp mắc sởi từ cuối năm 2013 đến nay.
Con số tử vong do sởi và biến chứng của sởi cũng được Bộ Y tế công bố với 25 trường hợp. Trong số này chỉ có 1 trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ. Các trường hợp tử vong do mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do viêm phổi.
Đánh giá về dịch sởi, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, dịch sởi năm nay xảy ra quy mô nhỏ, đỉnh dịch thấp hơn nhiều so với vụ dịch 2009- 2010 (8.233 ca mắc).
Cùng kỳ năm 2013 chỉ có 7.000 bệnh nhân nội trú nhưng thời điểm này là 10.000 (tăng 30%). Trong số này, một nửa bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. Đáng nói, sởi cũng góp một phần không nhỏ tăng áp lực quá tải bởi số bệnh nhi nặng phải thở máy chiếm rất cao.
GS Hiển cũng khẳng định, đến nay chưa có sự biến đổi về gene và độc lực của vi rút sởi. Thời gian 1 – 2 tháng tới, chắc chắn dịch sởi sẽ giảm mạnh do tỉ lệ tiêm vắc xin sởi bao phủ đang tăng lên, thời tiết nắng ấm cũng giúp tiêu diệt vi rút sởi ngoài môi trường.
Đã đến lúc ngành công nhận dịch sởi
Trước con số này, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, không thể dừng lại ở con số 25 trẻ tử vong do sởi. Thời điểm này, ngành y tế nên công nhận có dịch sởi.
“Đã đến lúc ngành y cần phải công bố dịch sởi và nhìn nhận đúng dịch bệnh để người dân cảnh giác trước căn bệnh dễ lây lan, nguy hiểm”, PGS.TS. Phạm Nhật An
Ông An cho biết, dịch sởi hiện nay vẫn chưa lắng xuống do tốc độ lây lan nhanh chóng. Mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận gần 20 bệnh nhi bị sởi. Các bác sĩ đã phải di chuyển, nhường phòng cho bệnh nhân.
Chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đông như thời điểm hiện tại.
Dù bệnh viện đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi nhưng số giường bệnh vẫn không xuể. Bệnh viện còn sử dụng thêm 15-20 giường ở Khoa Cấp cứu cho bệnh nhi mắc sởi.
Năm nay, dịch sởi diễn biến khá đặc biệt, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, nhiều trẻ chưa xác định có bị sởi hay không đã biến chứng viêm phổi. Dù các bác sĩ đã dùng kháng sinh ngay từ đầu để điều trị cho trẻ mắc sởi nhưng trẻ vẫn tử vong.
Bệnh sởi có tốc độ lan rất nhanh, khoảng 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là những trẻ có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vắcxin phòng ngừa đầy đủ. Người lớn cũng có thể bị sởi nếu cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh trong bệnh viện có thể xảy ra. Tại Khoa, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang, trước phòng bác sĩ vì sợ lây sởi.
Dù các chuyên gia đều đưa ra dự báo trong 1 – 2 tháng tới dịch có thể kiểm soát tốt bởi thời tiết nắng ấm lên. Nhưng về lâu dài, chỉ thực hiện tiêm phòng tốt chúng ta mới kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Để hạn chế bệnh lây lan, bác sỹ khuyến cáo nên hạn chế vào thăm người bệnh, nếu ra về cần khử trùng bằng cách tắm giặt sạch sẽ, thay quần áo mặc vào viện, nhỏ nước muối sinh lý vào họng, mũi, … để sát khuẩn. Virus sởi có thể sống trong môi trường bình thường từ 3-4 giờ đồng hồ.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]