Việc xử lý hẹp bao quy đầu cần thực hiện càng sớm càng tốt (1- 2 tuổi) và muộn nhất là trước tuổi dậy thì
Nhiều trẻ bị hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật. Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề này rất được quan tâm, tuy nhiên ở Việt Nam hầu như các bậc cha mẹ không ý thức được sự nguy hiểm của hẹp bao quy đầu. Theo thống kê mới đây của Bệnh viện K, Hà Nội, có tới 40% trẻ từ 1 - 6 tuổi bị hẹp bao quy đầu. Điều đáng nói là tất cả các cha mẹ có con bị hẹp bao quy đầu đến khám bệnh khi được hỏi đều không biết về vấn đề này, kể cả cách vệ sinh “chỗ ấy” cho các bé trai.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Khi bị hẹp bao quy đầu, trẻ thường có một số biểu hiện: nước tiểu đọng lại ở bao quy đầu làm cho đầu dương vật phồng lên, một lát sau mới chảy ra hết; bao quy đầu hay bị viêm với triệu chứng sưng đỏ, mọng nước; chất tiết đọng lại thành hạt, mảng trắng, sờ vào như hạt đậu hoặc vòng nhẫn cứng ở đầu dương vật. Khi trưởng thành, hẹp bao quy đầu làm cho đau khi dương vật cương cứng, có khi còn không cương được.
Trẻ bị hẹp bao quy đầu thường đi tiểu rất khó khăn, do đó rất dễ dẫn tới viêm nhiễm, tích tụ các “bựa” trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Tình trạng viêm nhiễm do ứ đọng nước tiểu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này, thậm chí dẫn tới ung thư dương vật. Theo thống kê tại Bệnh viện K, hẹp bao quy đầu chính là nguy cơ số một gây ung thư dương vật.
Hầu hết người bị hẹp bao quy đầu thường xấu hổ, không muốn đi khám nên khi đến bệnh viện đã có các biến chứng: tắc đường niệu đạo, nhiễm khuẩn tại khối u gây lở loét, đau đớn, nhiễm khuẩn tại vùng hạch di căn gây loét ra ngoài da hoặc chảy máu.
Vệ sinh đúng cách để phòng bệnh
Hẹp bao quy đầu thường là bẩm sinh hoặc do vệ sinh không đúng cách gây viêm nhiễm. Do đó, khi tắm, bố mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho trẻ. Nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính lại thì nên đi khám để chẩn đoán.
Việc xử lý hẹp bao quy đầu cần thực hiện càng sớm càng tốt (1- 2 tuổi) và muộn nhất là trước tuổi dậy thì. Bởi nếu để quá tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết, chưa kể những trường hợp đã có biến chứng xơ chai do bị “tù hãm” quá lâu, khi đó, dương vật đã bị viêm mạn tính biến đổi thành tiền ung thư hoặc ung thư.
Theo Danong
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]