Có nhiều nguyên nhân gây ra đau vú nhưng y văn thường nói đến sự dao động hormone diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt hay khi mang thai. Một chút cương đau trước kỳ kinh là bình thường nhưng làm sao đánh giá được sức chịu đựng rất khác nhau của mỗi người, có lẽ phụ nữ thành phố hay phàn nàn về đau vú hơn chị em ở nông thôn… Mặc dầu phụ nữ có thể đau 1 hay cả 2 bên vú và rất sợ bị bệnh ung thư nhưng đau vú lại không phải là triệu chứng thường gặp trong ung thư vú.
Con trai và nam giới trưởng thành cũng có mô vú, một số cũng phát triển to gần như phụ nữ. Vị thành niên nam có thể cũng bị cương đau vú nhưng không có gì đáng lo, và cũng do những biến động về hormon như nữ.
Những nguyên nhân đau vú thường gặp ở phụ nữ: cương đau vú ở một mức độ nhất định là bình thường, do sự dao động về hormone trong các tình huống như kinh nguyệt – thai nghén (có xu hướng gặp nhiều hơn trong 3 tháng đầu) ở người trẻ – tuổi dậy thì (ở cả con trai và con gái) – thời gian nuôi con bằng sữa mẹ – gần đến tuổi mãn kinh (khi đã mất kinh hoàn toàn thì cương đau vú thường hết trừ phi đang dùng liệu pháp hormone).
Sau đẻ một thời gian, sự xuống sữa làm cho vú căng ứ và có thể rất đau; nếu thấy có vùng đỏ thì cần gặp thầy thuốc (viêm tấy có thể phát triển thành áp-xe).
Những nguyên nhân khác bao gồm: bệnh xơ nang vú (fibrocystic breast changes) – viêm vú (ống dẫn sữa bị tắc và nhiễm khuẩn, gây đỏ tấy ngoài da, thường ở phụ nữ cho con bú) – hội chứng tiền kinh – nghiện rượu kèm tổn thương gan – bị chấn thương.
Mô vú bị xơ nang là bệnh thường gặp, làm cho vú có đám cứng và khối u khắp vú nên có xu hướng đau nhiều hơn mỗi khi sắp thấy kinh. Một số thuốc cũng có thể gây ra đau vú như thuốc trợ tim loại digitalis, thuốc hạ huyết áp aldomet… Bệnh ngoài da do virus mụn giộp phát triển ở vú cũng gây đau nhiều nếu như có ban đỏ và mụn nước.
Cần gặp bác sĩ chuyên khoa khi có các dấu hiệu và triệu chứng sau: tiết dịch ở đầu vú, nhất là khi có máu có mủ – sau đẻ 1 tuần mà vú sưng đau hay có mật độ cứng rắn – có dấu hiệu vú bị nhiễm khuẩn, kể cả chỉ sưng đỏ một vùng, có mủ hay sốt – xuất hiện cục cứng mới kèm đau và không mất đi sau khi đã hành kinh - đau ở vú kéo dài và không rõ nguyên nhân.
Các bác sĩ thường hỏi khi người phụ nữ đến khám vì lí do đau vú: các triệu chứng đã có từ bao giờ - đau 1 bên hay cả 2 bên vú – có ra dịch ở núm vú – có biết tự khám vú – có để ý thấy cục cứng ở vú hay bất thường khi tự khám vú – chụp vú lần cuối bao giờ – các triệu chứng khác, có sốt - đang dùng những thuốc gì.
Chẩn đoán nguyên nhân đau vú dựa trên các xét nghiệm sau: sinh thiết vú – cấy dịch tiết ra ở đầu vú để tìm vi khuẩn – xét nghiêm tế bào học dịch tiết ở vú – chụp vú – hút dịch ở nang vú bằng kim nhỏ.
Điều trị:
- Dùng thuốc giảm đau như ibuprofen (thuốc chống viêm không có nhân steroid), thuốc tránh thai (cũng có tác dụng giảm đau).
- Nếu có nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh.
- Sau khi bị chấn thương vào vú, nên chườm lạnh bằng túi vải từ 15-20 phút.
- Thay đổi hay ngừng một số thuốc.
- Cần được thầy thuốc theo dõi định kỳ sau khi điều trị
Phòng bệnh:
- Mang áo nâng vú hợp với kích cỡ, nhất là với người có vú to.
- Cần biết cách tự khám vú để cảm nhận được những thay đổi dù nhỏ, nên tự khám vú hàng tháng vào thời điểm từ 3 – 5 ngày sau hành kinh khi vú ít đau nhất.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]