1. Đo huyết áp. Bắt đầu từ tuổi 18, phái đẹp cần phải kiểm tra huyết áp mỗi năm hai lần. Thao tác kiểm tra sức khỏe này rất đơn giản và nhanh chóng. Huyết áp lý tưởng cho phụ nữ là dưới 120/80 mmHg (milimét thuỷ ngân). Dưới mức này vẫn coi là ổn, trong khi huyết áp cao (từ 140/90 mmHg trở lên) được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do không có triệu chứng, khó chữa trị, có thể dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ, tổn hại chức năng thận, thị giác và trí nhớ. Nếu chỉ số huyết áp của bạn cao hơn tiêu chuẩn, hãy kiểm soát chúng bằng cách dùng thức ăn ít chất béo, ăn nhạt, năng tập luyện, kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu, thuốc lá và tránh căng thẳng kết hợp hỗ trợ của thuốc.
2. Đo nồng độ cholesterol. Sau tuổi 20, bạn nên kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu (mỡ trong máu) ít nhất 2 lần/năm. Việc kiểm tra này vô cùng quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim. 200mg/dL (miligam mỗi decilít) được coi là là nồng độ lý tưởng cholesterol trong máu. Chỉ số cholesterol càng cao, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng tăng lên theo. Trong đó, cholesterol “xấu” có thể làm xơ vữa thành mạch, nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
Mỡ trong máu gây hại cho tim mạch
3. Phết tế bào cổ tử cung và khám phụ khoa. Bắt đầu từ lúc 21 tuổi, hoặc khi bạn bắt đâu cuộc sống tình dục, bạn cần phải khám phụ khoa và phế tế bào cổ tử cung hai năm một lần để kiểm tra những bất thường trong cơ quan sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung. Để lấy tế bào cổ tử cung, bác sĩ sẽ dùng một mỏ vịt đặt bên trong âm đạo để nong rộng âm đạo, sau đó sẽ sử dụng một dụng cụ nhỏ để lấy tế bào từ cổ tử cung để kiểm tra tế bào có thể gây ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, với kiểm tra y tế này, bác sĩ cũng sàng lọc các bệnh lây truyền đường tình dục.
4. Chụp và khám nhũ hoa. Bắt đầu từ khoảng 20 tuổi, phụ nữ nên khám nhũ hoa ít nhất ba năm một lần cho đến khi 40 tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên làm kiểm tra này hàng năm. Thao tác kiểm tra nhũ hoa thường là thủ công, điều này khiến chị em ngần ngại, nhưng đó là cách các bác sĩ xác định các cục u hoặc bất thường. Chụp nhũ hoa là một kiểm tra tầm soát ung thư vú, nên thực hiện khoảng 2 năm một lần với chị em U40 và mỗi năm một lần sau tuổi 40.
Chụp nhũ hoa giúp sớm phát hiện ung thư vú
5. Đo mật độ xương. Kiểm tra mật độ xương sàng lọc loãng xương nên được thực hiện khi chị em bước vào tuổi 40. Những chị em mảnh mai hay có tiền sử gãy xương nên được làm kiểm tra nảy. Nếu chỉ số T là -1 hoặc cao hơn nghĩa là xương khỏe mạnh. Từ -1 và - 2,5 là con số cho thấy dấu hiệu loãng xương. Từ - 2,5 trở xuống là chỉ số của bệnh loãng xương cần được điều trị.
6. Xét nghiệm đường trong máu. Phụ nữ nên làm xét nghiệm đường trong máu ba năm một lần, bắt đầu từ lúc 45 tuổi để xét nghiệm tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Trước khi đi làm xét nghiệm này, bạn nên nhịn ăn khoảng 8 tiếng liên tục - nên tốt nhất bạn nên làm vào buổi sáng. Nếu đường huyết từ 126 (7.0mmol/l) mg/dL trở có thể người đó mắc bệnh đái tháo đường hay tiểu đường. Còn nếu đường huyết lúc đói từ 110 (6.1 mmol/l) trở lên nhưng nhỏ hơn 126 mg/dl (7.0mmol/l) gọi là rối loạn đường huyết lúc đói, hay tiền đái tháo đường. Dưới mức 110 (6.1 mmol/l) là bình thường.
Hiện nay có nhiều cách kiểm tra đường trong máu chính xác và nhanh chóng
7. Sàng lọc ung thư đại tràng. Ở nước ta, ung thư đại trực tràng đứng vị trí thứ năm, sau ung thư phổi, dạ dày, vú, vòm họng. Bệnh này thường gặp ở cả hai giới. Đối với phụ nữ, xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng cho phụ nữ thường bắt đầu ở tuổi 50. Để giảm bệnh này, bạn nên bắt đầu giảm chất béo và tinh bột, hạn chế thức ăn muối, lên men, xông khói, sấy khô (cá khô, xì dầu, thịt hun khói…), tăng cường chất xơ, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn hàng ngày và không lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.
8. Đo chỉ số cơ thể (BMI). BMI (Body Mass Index) chính là chỉ số cơ thể được các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe sử dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bị béo phì, thừa cân hay quá gầy hay không. Thông thường, người ta dùng để tính toán mức độ béo phì và đánh giá các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tiểu đường và bệnh tim. Chỉ số BMI của bạn được tính như sau: BMI = (trọng lượng cơ thể, tính bằng kg)/ (chiều cao x chiều cao, tính bằng m). Nếu kết quả dưới 18.5 là bạn thiếu cân và đối mặt với vấn đề trục trặc ở khả năng sinh sản, bệnh thiếu máu hay nguy cơ loãng xương; từ 18,5 – 25 là con số chuẩn, từ 25-30 là bạn đang thừa cân; BMI 30 – 40 là bạn đang béo cần giảm cân; BMI trên 40 thì bạn rất béo, cần giảm cân ngay.
9. Khám da. Phụ nữ nên kiểm tra da thường xuyên bắt đầu ở tuổi 18. Những nốt ruồi hay đốm tàn nhang tự nhiên đổi màu - hình dạng hay kích thước; một đốm nhỏ mới xuất hiện có hình dạng và màu sắc khác hẳn với những đốm khác trên cùng một vùng da; một vết loét không lành… chính là dấu hiệu của ung thư da. Nếu bạn thấy có những dấu hiệu trên, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Có 3 loại ung thư da, riêng chứng u hắc sắc tố (melanoma) có thể gây ra tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nha khoa là kiểm tra cần thiết cho chị em phụ nữ
10 Kiểm tra nha khoa. Sức khỏe răng miệng là vần đề quan trọng tự khi bạn mới chỉ nhú những chiếc răng sữa đầu tiên. Chị em phụ nữ kiểm tra răng và làm sạch răng hai lần mỗi năm để giữ cho hàm răng chắc khỏe và phát hiện sớm dấu hiệu phân rã hoặc bất kỳ vấn đề với miệng hoặc răng. Người xưa có câu “cái răng cái tóc là gốc con người”, một hàm răng khoẻ đẹp sẽ giúp bạn thoải mái và tự tin hơn trong quá trình giao tiếp.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]