Trứng vịt lộn được coi là một món ngon, vị thuốc bổ, để tạo nên công dụng này phải có gia vị là rau răm và gừng tươi thái chỉ, ăn với trứng vịt lộn vừa luộc xong còn nóng, chấm với chút muối rang hay bột canh cho vừa miệng.
Trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Rau răm có tác dụng trừ hàn, tiêu thực, sáng mắt, sát trùng, mạnh chân gối, ấm bụng, chống đầy bụng khó tiêu… Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hoá, mạnh tim, giải độc thức ăn, chống suy giảm tình dục… Theo quan niệm của y học cổ truyền món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị là một bài thuốc, dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý…
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết trong một quả trứng vịt lộn có 182kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phốtpho, 600mg cholesterol… Ngoài ra, còn có nhiều vitamin A, một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C…
Tuy nhiên việc sử dụng nhất thiết phải đúng liều lượng và đúng cách thì mới đem lại hiệu quả.
Vàng da, cao cholesterol vì trứng lộn
Thấy con còi hơn bạn bè, chị Nguyễn Thu Phương, Bến Nghé, Q.1, Tp.HCM sáng nào cũng dắt cậu con trai 4 tuổi đi ăn trứng vịt lộn. Thấy con thích thú, chị mừng ra mặt, có hôm chị cho bé ăn liền hai quả, cùng với uống sữa là đủ cho bữa sáng. Trung bình mỗi tháng, bé ăn hết 20-25 quả. Cùng với việc tích cực cho con dùng thêm viên bổ sung vitamin, chị Phương chắc chắn “con sắp cao hơn bạn một cái đầu”.
Nhưng được vài tháng, bé nhà chị Phương lắc đầu chán trứng, chán cả cơm cháo mẹ nấu, da thì vàng vọt lại thêm triệu chứng buồn nôn và bơ phơ. Đưa con đi khám, chị Phương mới hay bé bị chứng chán ăn, buồn nôn vì liên tục dùng thừa vitamin A. Nguyên nhân là bé ăn quá nhiều trứng lộn.
Hàm lượng vitamin A trung bình trong 100g trứng lộn vào khoảng 1000mcg, trong đó nhu cầu của trẻ chỉ ở khoảng 300-500mcg. Ăn nhiều trứng lộn thường xuyên khiến lượng vitamin A dư thừa. Vì vitamin A được hòa tan trong dầu mỡ nên khi dư thừa, chúng tích lũy dưới da, gan làm vàng da, bong tróc biểu bì, gây ảnh hưởng đến việc hình thành xương.
Chị Phương cho con ăn ngày một quả trứng vịt đã khiến lượng vitamin A nạp vào gấp đôi nhu cầu của bé. Còn thành phần cholesterol trong trứng cũng cần thiết với trẻ để phát triển tế bào thần kinh nhưng ăn thường xuyên trứng lộn sẽ là nguyên nhân tích lũy cholesterol dẫn đến làm cao mỡ gan, mỡ máu, tăng nguy cơ tim mạch.
Để bé an toàn với trứng lộn
Trẻ chậm lớn vì ăn nhiều trứng lộn
Trong quá trình hình thành phôi, một số chất đã được chuyển đổi nên trứng lộn bổ dưỡng hơn trứng trắng. Đông y xem trứng lộn là bài thuốc bổ huyết, ích trí, tinh mắt. Nên khi con còi cọc, bạn có thể dùng trứng lộn.
Tuy nhiên do hàm lượng chất béo và protein trong trứng cao, khó tiêu hóa nên với trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có hệ tiêu hóa kém thì nên hạn chế dùng bài thuốc bổ này để tránh tình trạng sình bụng, tiêu chảy và nếu ăn nhiều thì trứng lộn lại hóa độc dược. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ chỉ nên cho bé ăn nửa quả trứng vịt (tương đương 4-5 quả trứng cút) mỗi lần và chú ý:
- Nên cho bé ăn trứng buổi sáng, tránh buổi tối vì có thể gây khó tiêu làm mất ngủ.
- Bồi bổ cho bé bằng trứng lộn thì cần chú ý hạn chế viên uống bổ sung vitamin A, không ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A như gan, dầu cá…
- Vitamin A cần được hòa tan trong dầu mỡ mới hấp thu được nên khi cho ăn trứng lộn, bạn cần cho bé ăn kèm thực phẩm có dầu mỡ như đậu, lạc, nước canh…
- Liệu trình bồi bổ bằng trứng lộn cho trẻ không nên kéo dài liên tiếp quá 60 ngày.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]