Bức xạ phát ra từ các thiết bị không dây nhiều khi làm mất cân bằng quá trình trao đổi chất của cơ thể, từ đó có thể dẫn đến nhiều dạng nguy cơ đối với sức khỏe, bao gồm ung thư và thoái hóa thần kinh.
Báo cáo mới có tựa đề “Những cơ chế ô xy hóa đối với hoạt động sinh học từ bức xạ sóng vô tuyến cường độ thấp (RFR)” đã được đăng trên chuyên san Electromagnetic Biology & Medicine, theo đó thu thập các dữ liệu thí nghiệm có sẵn về các ảnh hưởng ô xy hóa của RFR đối với tế bào sống.
Sự mất cân bằng trao đổi chất, hoặc còn gọi là stress ô xy hóa, là tình trạng “mất cân đối giữa việc sản xuất các chủng ô xy phản ứng (ROS) và cơ chế phòng thủ chống ô xy hóa”, theo đồng tác giả là tiến sĩ Igor Yakymenko thuộc Đại học Quốc gia về công nghệ thực phẩm ở Kiev. Và stress ô xy hóa từ hoạt động phơi nhiễm RFR thường xuyên có liên quan đến ung thư và những căn bệnh khác, theo báo cáo của nhóm chuyên gia Mỹ và Ukraine.
Cuộc nghiên cứu nói rõ “trong số 100 báo cáo hiện có về mối liên quan giữa những ảnh hưởng ô xy hóa đối với RFR cường độ thấp, về tổng quát có đến 93 báo cáo xác nhận RFR thúc đẩy các hiệu ứng nguy hiểm này trong các hệ thống sinh học.
“Bức xạ vô tuyến thông thường” có thể kích hoạt sự sản xuất ROS trong các tế bào, theo kết luận rút ra từ các cuộc nghiên cứu. Tiến sĩ Yakymenko cho hay chỉ cần sử dụng điện thoại 20 phút mỗi ngày trong suốt 5 năm có thể làm tăng nguy cơ mắc một dạng khối u não lên gấp 3 lần, trong khi nguy cơ mắc một số dạng khối u tăng từ 3 - 5 lần khi thời lượng đạt 1 giờ/ngày liên tục suốt 4 năm. Chuyên gia Ukraine còn thận trọng hơn khi nói rằng ung thư não và các dạng ung thư khác có thể mất đến 30 năm để phát triển thành bệnh. Kết luận mới đã được rút ra từ những người trưởng thành đã sử dụng điện thoại di động trong suốt 10 năm, theo trang tin New York Daily News.
“Tình hình có thể khác biệt lớn đối với trẻ em dùng điện thoại từ nhỏ, khi cơ chế sinh học của cơ thể nhạy cảm hơn nhiều đối với các yếu tố gây hại, và tiếp tục sử dụng cả đời”, theo tiến sĩ Yakymenko.
Thế nhưng phe hoài nghi đã nhấn mạnh rằng cuộc nghiên cứu trên chỉ là một dạng biên soạn từ nhiều báo cáo khác, trong khi cần triển khai một cuộc thu thập và phân tích hoàn toàn mới.
Có thể nói mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại di động và nguy cơ ung thư đã được đề cập trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh “dế” hiện đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Ví dụ, chỉ riêng tại Mỹ, số người sử dụng điện thoại di động tăng gấp 3 từ năm 2000 đến 2010, theo Hiệp hội Viễn thông di động và internet.
Trước đây đã có những nghi ngờ xung quanh nguy cơ “độc hại” của điện thoại đối với cơ thể dao động từ bức xạ không ion hóa thông qua sóng vô tuyến và sự hấp thụ dạng năng lượng này của cơ thể. Vào năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng đề cập rằng việc dùng điện thoại “có thể gây hại” theo sau một cuộc phân tích lại toàn bộ chứng cứ khoa học có sẵn về đề tài này.
Cụ thể, IARC phát hiện nguy cơ mắc ung thư thần kinh đệm gia tăng khi tế bào não bị phơi nhiễm sóng RFR. Tuy nhiên, tổng cộng 31 nhà khoa học IARC tham gia báo cáo cho hay cần phải triển khai thêm các cuộc nghiên cứu trước khi rút ra kết luận rõ ràng hơn. Đến tháng 5.2015, một nhóm gồm gần 200 nhà sinh học và chuyên gia sức khỏe từ khắp thế giới thúc giục WHO và các chính phủ triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm đề cập đến các mối quan hệ giữa việc sử dụng “dế” với ung thư.
Vào tháng 8 năm nay, quy định “Quyền được biết” sẽ có hiệu lực tại Berkeley, bang California, theo đó các cửa hàng bán điện thoại phải cung cấp tờ rơi hoặc trưng bày bảng hiệu thông báo về các mức độ bức xạ mà điện thoại có thể phát ra, cũng như những chỉ dẫn để sử dụng an toàn điện thoại.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]