Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ nay đến ngày 5.3 sẽ đồng loạt triển khai đợt tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi trên toàn quốc. Đối tượng tiêm trong đợt này là các trẻ từ 9-24 tháng tuổi. Trong đó, sẽ tiêm mũi một cho các trẻ chưa từng tiêm sởi. Ngoài ra sẽ tiêm một mũi vắc xin sởi với các trẻ từ 18-24 tháng tuổi (số này ước khoảng 200.000 trẻ). Các địa phương có thể tổ chức tiêm cùng với buổi tiêm chủng thường xuyên hoặc vào ngày khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê số đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (9 và 18 tháng tuổi) trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi. Ngoài việc đạt ít nhất 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm, Sở Y tế các tỉnh thành có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và giám sát an toàn tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm cần ít nhất 2 cán bộ y tế được tập huấn về khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng. Tại những vùng khó khăn cần phối hợp với lực lượng quân y, bộ đội biên phòng để triển khai. Mỗi điểm tiêm đều sẵn sàng nhân lực, thiết bị ứng phó các trường hợp phản ứng sau tiêm và có các đội cấp cứu lưu động của các bệnh viện hỗ trợ xử lý phản ứng sau tiêm nếu có các phản ứng bất thường. Tất cả các lô vắc xin tiêm chủng đều qua kiểm định chất lượng, an toàn tại Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm quốc gia.
Theo Cục Y tế dự phòng, tại một số địa bàn có dịch sởi bùng phát như Yên Bái và Sơn La, cơ quan y tế địa phương đã thực hiện khoanh vùng dập dịch, khám phân loại và thực hiện điều trị miễn phí cho các đối tượng mắc sởi; tập trung xử lý môi trường tại các trường học, nhà văn hóa xã có ca bệnh sởi và nghi sởi. Tại các vùng dịch này, đối tượng tiêm phòng sởi được thực hiện với các trẻ đến 15 tuổi.
Ngày 23-2, Bộ Y tế cũng đề xuất thành lập trở lại đội tiêm vắc xin lưu động tới tận thôn, bản ở các vùng sâu, vùng xa vì cho rằng hiện ở những nơi này, nhất là miền núi phía Bắc, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi còn thấp.
"Trong những năm trước chúng ta đã thành công do triển khai tiêm chủng thường xuyên theo lịch cố định tại trạm y tế xã, phường kể cả vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, có các đội tiêm chủng lưu động đi đến các thôn bản để tiêm và có những đội tiêm vét. Những đội này được tập huấn rất kỹ và được trang bị đầy đủ vắc xin, dây truyền lạnh và dụng cụ chống sốc kèm theo. Hiện nay nhiều tỉnh đã nhận thấy điều này và đề xuất khôi phục lại mô hình tiêm chủng đó”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế về việc thành lập trở lại các đội tiêm chủng lưu động tới tận thôn, bản tại vùng sâu, vùng xa, nhưng cũng cần thành lập các đội cấp cứu lưu động để xử lý kịp thời những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Từ việc bùng phát dịch sởi do tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi đạt thấp, Phó Thủ tướng cho rằng cần đặc biệt lưu ý đến tỷ lệ tiêm các vắc xin khác, nhất là sau những sự cố xảy ra khi tiêm vắc xin Quinvaxem và viêm gan B, ngành y tế cần có hướng dẫn quy trình tiêm chủng cụ thể hơn và ràng buộc trách nhiệm cho từng cá nhân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành Y tế cần đặc biệt lưu ý những vaccine khác trong thời gian qua vì nhiều lý do mà tỷ lệ tiêm ít đi. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung thực hiện công tác tiêm chủng với mức độ cao nhất. Đây là việc đặt ra nghiêm túc cho ngành Y tế và cả hệ thống chính trị. Không chỉ Bộ Y tế có hướng dẫn sâu về kỹ thuật mà tại các địa phương phải hướng dẫn rất cụ thể, ràng buộc trách nhiệm cho từng cấp, từng người.
Đồng thời, rút kinh nghiệm về quy trình tiêm vaccine, xử trí tình huống khẩn cấp, chủ động cung cấp thông tin, truyền thông minh bạch, rõ ràng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc thành lập các đội tiêm phòng lưu động cần phải có các đội cấp cứu đi kèm để xử trí kịp thời các sự cố sau tiêm chủng, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc dẫn đến mất lòng tin.
Theo Ngọc Phạm - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]